Khủng hoảng chính trị tại Syria: Thời điểm cam go

Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 16/07/2012

(HNM) - 17 tháng qua, kể từ khi bùng nổ phong trào phản đối chính phủ chống lại Tổng thống Syria Bashar Al-Assad (tháng 3-2011), quốc gia này chưa một ngày yên bình.


Xung đột, bạo lực đã và đang đẩy cuộc khủng hoảng Syria lún sâu vào bế tắc.

Xung đột phe phái vẫn đang leo thang dữ dội và sức ép của các cường quốc phương Tây cũng đang ngày một tăng đã đẩy Syria bước vào thời điểm quyết định. Chính quyền Damascus đang nóng lòng chờ phán quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) liên quan đến hai bản dự thảo nghị quyết riêng rẽ về Syria do phương Tây và Nga đề xuất. Theo kế hoạch, HĐBA sẽ bỏ phiếu về hai bản dự thảo nghị quyết mới này ngày 20-7, thời điểm sứ mệnh giám sát của LHQ tại Syria hết hiệu lực.

Theo dự thảo nghị quyết mới, các nước phương Tây muốn ấn định cho chính quyền của Tổng thống B.Assad thời hạn chót 10 ngày để chấm dứt sử dụng các loại vũ khí hạng nặng, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế theo Điều 41 Chương VII Hiến chương LHQ. Dự thảo nghị quyết cũng gia hạn sứ mệnh giám sát của Phái bộ quan sát viên LHQ tại Syria (UNSMIS) thêm 45 ngày, thay vì kết thúc vào ngày 20-7. Văn bản cũng ủng hộ đề xuất của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon về gia tăng nhiệm vụ chính trị của UNSMIS và cắt giảm số quan sát viên quân sự (hiện có 300 người) tại Syria. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice cho rằng, hiện tại UNSMIS không thể thực thi sứ mệnh, do đó cần phải có những biện pháp cụ thể để tăng sức ép với Syria.

Trong khi đó, Nga cũng đệ trình một bản dự thảo riêng, không bao hàm đe dọa áp đặt các biện pháp chống lại Tổng thống B.Assad. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Mátxcơva khẳng định chính sách về chấm dứt bạo lực ở quốc gia Trung Đông này dựa vào kế hoạch của Đặc phái viên chung LHQ - Liên đoàn Arab (AL) Kofi Annan. Nga không chấp thuận quan điểm yêu cầu Tổng thống B.Assad phải từ chức và thành lập một hệ thống chính trị mới ở Syria. Mátxcơva có thể đàm phán về mọi thứ, ngoại trừ việc trừng phạt Syria và xem đây là "giới hạn đỏ" mà Mátxcơva không cho phép xảy ra. Trước đó, ngày 9-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Syria cần một cuộc đối thoại giữa chính quyền và phe đối lập hơn là sự can thiệp quốc tế nhằm bảo đảm một nền hòa bình lâu dài...

Theo nhìn nhận của dư luận tiến bộ, quan điểm của Nga là cách tiếp cận thích hợp nhất trong bối cảnh hiện nay trước cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria. Trước đó, hy vọng cũng đã mở ra trong chuyến trở lại Trung Đông của ông K.Annan. Bởi hai bên đã đạt được những kết quả "mang tính xây dựng" và đã nhất trí về một "cách tiếp cận" mới nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria. Nhưng, các nước phương Tây lại xem kết quả này đã không còn giá trị. Vì, từ lâu, chế độ của ông B.Assad đã không nhận được cái nhìn thiện chí của giới chức phương Tây. Đây chính là nguyên cớ để sự hỗ trợ khí tài quân sự, nguồn lực tài chính... không ngừng được đổ cho phe đối lập để lật đổ chế độ Damascus hiện hành. Nguồn lực này đã và đang khiến xung đột ở Syria leo thang, không có điểm dừng.

Trong một diễn biến mới, ngày 14-7, quân đội Syria tiếp tục mở cuộc tấn công vào ngôi làng nhỏ Khirbet Ghazaleh ở tỉnh Daraa để truy lùng các tay súng của lực lượng chống đối chính quyền. Ít nhất 31 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Trước đó, ngày 12-7, truyền hình nhà nước Syria đưa tin, các nhóm vũ trang đã thực hiện vụ thảm sát giết hại hơn 200 người ở làng Traimseh thuộc tỉnh Hama ở miền Trung. Đến nay, cuộc xung đột tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 15.000 người.

Cả khu vực và cộng đồng quốc tế đang trông chờ quyết định cuối cùng của HĐBA LHQ. Đây được xem là "cây gậy" trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề Syria. Nếu phán quyết ngả về nghị quyết của phương Tây, các cường quốc như Anh, Pháp, Mỹ sẽ có công cụ mới để siết chặt hơn nữa áp lực nhằm lật đổ chế độ của ông B.Assad. Và ngược lại, nếu dự thảo do Nga đề xuất được thông qua sẽ mở ra hy vọng đối thoại mới cho cuộc khủng hoảng đã ở "cuối đường hầm".

Trung Hiếu