Ngày đầu thi CĐ 2012: 49 thí sinh vi phạm quy chế thi
Tuyển sinh - Ngày đăng : 19:59, 15/07/2012
Thí sinh thi môn ngữ văn tại Hội đồng thi Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo trung ương (Hà Nội). Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, ngày thi đầu diễn ra an toàn, trật tự với 298.924 thí sinh dự thi buổi sáng, đạt tỷ lệ 73,34%, giảm 1,58% so với năm 2011 (74,92%); buổi chiều có hơn 1.400 thí sinh bỏ thi. Sau hai buổi thi, có 49 thí sinh sai phạm bị xử lý (khiển trách 4, cảnh cáo 1, đình chỉ thi 44), ngoài ra có 2 thí sinh không được dự thi do đến muộn); không có cán bộ vi phạm quy chế.
Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu, không có sai sót, được đa số thí sinh đánh giá là vừa sức. Phần lớn thí sinh kết thúc môn thi với tâm lý nhẹ nhàng, phấn khởi.
Đại diện Hội đồng tuyển sinh các trường cho biết đã tập huấn rất kỹ cho giám thị về việc thực hiện quy định mới cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, ông Vũ Phương cho biết đã thống nhất cách xử lý: Nếu thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi thì phải báo cho giám thị biết và để máy trên bàn. Buổi thi đầu tiên, trường có khoảng 76% thí sinh tham dự trong số 11.490 hồ sơ đăng ký dự thi; chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 1.200. Đại diện Trường CĐ Điện lạnh cho biết, trường có 700 chỉ tiêu, năm nay mở thêm ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử; hồ sơ đăng ký vào trường là hơn 3.000, tăng khoảng 25% so với năm 2011; tỷ lệ dự thi là hơn 70%.
Sáng nay, 16-7, thí sinh tiếp tục thi môn cuối cùng: hóa (khối A, B), tiếng Anh (khối A1), địa (khối C), ngoại ngữ (khối D).
* Ngày 15-7, Ban Chỉ đạo tuyển sinh - Bộ GD-ĐT cho biết đã điều chỉnh đáp án và phiếu chấm môn lịch sử kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt II, phần điều chỉnh nằm trong câu 4a, có nội dung liên quan tới chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Theo đó, so với đáp án cũ, ở giai đoạn từ năm 1952 đến năm 1973, đáp án mới bớt đi ý - "Tuy vậy, phong trào nhân dân Nhật Bản chống Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật lên cao, phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và các cuộc đấu tranh theo mùa... luôn diễn ra mạnh mẽ". Từ giai đoạn năm 1973 đến năm 1989, gợi ý của đáp án cũ là: "Với tiềm lực kinh tế tài chính ngày càng lớn mạnh, Nhật Bản bắt đầu đưa ra chính sách đối ngoại mới, thể hiện qua các học thuyết Phucưđa và Kaiphu". Trong đáp án điều chỉnh không có học thuyết Kaiphu.