“Tôi cũng có chút ý thức về chuyện “làm mới” văn chương”

Văn hóa - Ngày đăng : 06:20, 15/07/2012

(HNM) - Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Trọng Văn (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Văn nghệ Đài PT-TH Hà Nội) vừa ra mắt tiểu thuyết ngụ ngôn "Linh ứng". Chất chiêm nghiệm, dí dỏm trong thơ anh vốn khá rõ nét và sự chuyển hóa đặc điểm này sang văn xuôi ít nhiều mang đến cho người đọc cảm nhận mới mẻ… Hànộimới có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Trọng Văn.

- Thưa nhà thơ Nguyễn Trọng Văn, tác phẩm văn học mới của anh vừa ra mắt dưới dạng tiểu thuyết ngụ ngôn. Vì sao anh lựa chọn lối viết này?

- Ý tưởng viết tác phẩm này ùa đến, thôi thúc tôi một cách náo nhiệt. Ban đầu, nó ra đời với cái tên "Một, hai, ba... hay câu chuyện về ông Ra pha", nhằm thỏa nỗi băn khoăn với những cái hay, cái dở và cả cái tệ hại đang tràn lan trong mọi ngõ ngách của đời sống. Nhưng rồi tôi bỗng nhận ra "ngụ ngôn" đã trở thành sự lựa chọn thích hợp cho việc tiếp cận phản ánh hiện thực. Tiểu thuyết ngụ ngôn "Linh ứng" ra đời như thế, là những câu chuyện mà tôi đã chiêm nghiệm từ chính cuộc sống ồn ào mà mình đang ở trong lòng nó.

- "Tiểu thuyết ngụ ngôn" là khái niệm khá mới mẻ. Anh có nghĩ cách thức thể hiện này cũng là một trong những điều "làm mới" văn chương của mình không?

- Thú thực là tôi cũng có tí chút ý thức về chuyện "làm mới". Ban đầu, tôi định viết theo chuỗi chuyện ngụ ngôn, nhưng như thế thì có thể thiếu tính hệ thống và mất sự liên kết, sự lý giải được cho điều mình muốn đặt ra. Cuộc sống hiện đại không dễ gì chấp nhận thể loại cũ, với những câu chuyện theo mô - týp "loài vật biết nói tiếng người" chẳng ăn nhập gì với thực tại. Thế là tôi quyết định viết "tiểu thuyết ngụ ngôn". Nhưng, bắt tay vào viết rồi tôi mới hoảng. Hoảng nhất là không biết mình có "liều lĩnh" hay không, bởi tôi vốn mới chỉ viết thơ và truyện ngắn, dài hơi tí chút mới chỉ là trường ca. "Đụng" vào tiểu thuyết quả là thách thức không đơn giản. Chọn lối viết ngụ ý cũng là cách để tôi "tự giải phóng" mình khỏi những khuôn phép văn chương thiên hạ đã đi hàng thế kỷ.

Ba năm trước tôi viết tác phẩm "Tổ quốc - đường chân trời" và mạn phép đặt cho nó tên thể loại có vẻ mới: "Trường ca - tùy bút thơ". Thời gian qua đi mọi người đã chấp nhận "thể loại" này.

- Anh muốn gửi gắm điều gì qua những câu chuyện hài hước ý nhị, trong mỗi tình huống xoay quanh người chăn cừu giàu có - ông Ra pha?

- Nhân vật ông Ra pha, tôi xem đó là hình mẫu của những "nhân vật có thật". Cái "thật" ở đây là những băn khoăn trước những vô vàn điều hay điều dở đang cùng song hành trong cuộc sống. Nhân vật ấy phải sống như chính cuộc sống của chúng ta bây giờ. Cốt lõi của nhân vật Ra pha mà tôi gửi gắm là: Mọi toan tính cũng chỉ là tính toán. Giá trị của đời sống không hẳn là đi tìm những cái mình không có, đi tìm những cái không phải của mình. Ông Ra pha đã có nhiều "tìm tòi" nhưng cuối cùng thì chính những sự "tìm tòi" ấy đã làm ông mất đi chính mình, mất đi những giá trị thật của vùng quê nơi ông sinh thành. Khao khát vươn lên là lẽ đương nhiên, nhưng phải biết "khao khát" ngay cái mình có. Đó sẽ là giá trị đích thực của chúng ta trong cuộc sống hôm nay.

- Với mỗi câu nói có tính chiêm nghiệm của ông Ra pha, anh lại để in nghiêng là sao? Về mặt văn bản, nó khiến cho người đọc chú ý, song cũng lại có phần hơi nặng nề?

- Tôi không sử dụng lối viết có thoại trong tiểu thuyết này. Lời thoại có thể làm yếu đi dụng ý sử dụng "ngụ ý của ngôn từ" của tôi. Hơn nữa, ông Ra pha là một con người luôn luôn đi tìm chân lý mới. Nhân vật này, ngay từ đầu đã có những chiêm nghiệm riêng của mình. Vả lại, đã gọi là viết ngụ ngôn thì cái quan trọng nhất là tạo nên giá trị của truyện ngụ ngôn với những câu nói từ sự chiêm nghiệm có tính triết lý. Bài học giáo lý để răn dạy chính là điều mà truyện ngụ ngôn có được ngay từ thuở thể loại này mới ra đời. Tôi sử dụng những câu nói mà nhân vật chiêm nghiệm cũng là cách duy trì "tính ngụ ngôn" của thể loại văn học này.

Có người đã nói vui với tôi: Đọc "Linh ứng" chỉ cần đọc những câu "in ngiêng" là đủ hiểu tác giả muốn nói gì…

- Chất chiêm nghiệm vốn có sẵn từ trong thơ anh. Nhưng, có phải như có người từng nói, những biến động xã hội bây giờ gần với văn xuôi hơn, nên nhiều nhà thơ chuyển sang viết tiểu thuyết. Một bài thơ, dù đã nén ý nhưng vẫn "chật chội" trước những trăn trở, băn khoăn của nhà văn?

- Đúng vậy. Trong cuộc sống hôm nay, một câu thơ hay, một bài thơ trữ tình chưa nói hết bao điều cần nói cho dù tác giả đã bộc bạch lòng mình. Tuy nhiên, thể loại nào cũng có sức mạnh của nó. Là người viết, tôi cho rằng cần biết gieo trồng thứ gì trên mảnh đất mình có. Miễn sao nó có ích.

Là nhà văn, từ trước tới nay tôi đều đặt mình vào vị trí của một công dân. Băn khoăn, trăn trở trước cuộc sống là trách nhiệm của nhà văn, do vậy, việc lựa chọn thể loại là cách để nhà văn "bước vào cuộc sống" được tự nhiên hơn, gần gũi hơn, có ý nghĩa hơn.

- Xin chân thành cảm ơn anh!

Thi Thi