“Hậu tín dụng đen” ở Phú Minh

Đời sống - Ngày đăng : 06:16, 15/07/2012

(HNM) - Gần một năm sau vụ vỡ nợ chấn động làng quê tại thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, đầu tháng 7 vừa qua, cơ quan điều tra đã hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị đưa Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1979), nhân vật chính trong vụ vỡ nợ, ra xét xử về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau những bi kịch của "tín dụng đen", người dân và chính quyền thị trấn Phú Minh đã và đang nỗ lực gượng dậy sau "bão".

Thị trấn Phú Minh đã lấy lại được nhịp sống bình thường sau tín dụng đen. 
Ảnh: Sơn Tùng

Phú Minh - thị trấn nhỏ với 2.100 hộ dân, không còn huyên náo như những ngày xảy ra vụ việc. Thế nhưng mấy ngày nay, câu chuyện về Nguyễn Thị Cúc - nhân vật chính của vụ vỡ nợ từng gây xôn xao dư luận năm 2011 lại được nhắc đến. Người dân ở đây nhắc tới Cúc không phải vì đồng tiền của họ có cơ hội quay trở lại, mà đơn giản họ chờ đợi xem kết cục của những kẻ như Cúc sẽ ra sao. Bởi đến thời điểm này, cơ quan điều tra đã xác định Cúc đã vay và không có khả năng chi trả khoản tiền hơn 233 tỷ đồng, đồng thời xác định được 59 bị hại. Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT-CATP Hà Nội cũng xác định được 11 đầu mối gom tiền của các bị hại khác đưa cho Cúc vay lại để hưởng lãi suất cao.

Chị Nguyễn Thị H., một người bán phở tại chợ thị trấn Phú Minh ngao ngán cho hay, sau gần một năm, cuộc sống của nhiều gia đình liên quan đến đường dây "tín dụng đen" của Cúc đã dần ổn định, nhưng nỗi đau buồn thì không dễ nguôi ngoai. Lúc mới xảy ra vụ vỡ nợ chấn động đó, người mất tiền chẳng thiết đi chợ, tụ tập ngồi canh bên ngoài nhà chủ nợ để đòi tiền. Người không mất tiền thì chỉ lo đi tán chuyện về việc vợ chồng, con cái nhà nọ nhà kia giấu nhau để cho vay. Mọi thứ cứ lộn tùng phèo. Đó là lúc trước, còn nay ai vào việc nấy. Cái tên V. "gà" được nhiều người nhắc đến nhất. Cả vùng vỡ nợ, người nọ nợ người kia, nhưng người gán tài sản, nhà cửa để trả nợ không nhiều. Chị H. kể, ở đất này chỉ có mỗi chị V. "gà" là gán sạch tài sản để trả nợ, giờ hằng ngày bán gà ở chợ nhưng bao nhiêu lời lãi đã có người khác đến thu nợ vào cuối giờ chiều. Chắc có làm hết đời, cũng chẳng trả hết nợ… Từ chỗ có "của ăn của để", buôn bán ổn định, giờ thì…

Câu chuyện bị chen ngang khi có khách. Bún quê, 10.000 đồng đến 15.000 đồng/bát mà thỉnh thoảng mới có khách, chị chủ quán mừng ra mặt. Kẻ lợi dụng chiếm đoạt tài sản sẽ bị pháp luật xử theo quy định. Nhưng nhiều người ở đây chỉ muốn biết số tiền mà họ đã cho Cúc và các "chân rết" của Cúc vay có phải được sử dụng vào việc buôn bán bất động sản như thị đã khai với cơ quan chức năng hay còn cất giữ ở đâu? Câu hỏi đó không dễ trả lời thỏa đáng!

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Phú Minh Trần Quang Trung cho hay, khi chuyện vỡ nợ tín dụng xảy ra, thời gian đầu đời sống của người dân địa phương bị xáo trộn. Đảng ủy, UBND xã đã mời toàn bộ bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư… đến để nắm tình hình và có biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, tránh tình trạng xiết nợ, đánh lộn vi phạm pháp luật. Để xua tan bầu không khí ảm đạm, lấy lại tinh thần cho người dân và tập trung vào sản xuất…, vai trò của các hội, đoàn thể được đẩy mạnh, phát huy tối đa. Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Nông dân, Thanh niên… đã chia sẻ, động viên kịp thời các gia đình liên quan đến vỡ nợ để tìm biện pháp tháo gỡ, không để hộ nào rơi vào tình cảnh túng đói. Các trường hợp khó khăn đều được chính quyền địa phương quan tâm, thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết… Bước vào kỳ nghỉ hè 2012, Đoàn Thanh niên thị trấn đã phân công cụ thể chương trình sinh hoạt hè cho thiếu nhi đến từng tiểu khu.

Bí thư chi bộ Tiểu khu Phú Thịnh Phùng Thị Yên cho biết, Tiểu khu Phú Thịnh có trên 1.000 dân, trong đó có tới 20-30% số hộ liên quan đến vụ "vỡ nợ lịch sử" này. Đây thực sự là một cú sốc cả về vật chất lẫn tinh thần đối với nhiều hộ dân. Để giúp đỡ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau cơn "bão tín dụng đen", vào các ngày lễ, tết, kỷ niệm lớn, hội làng… địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như thi văn nghệ, thi bắt vịt, đẩy gậy, bịt mắt đánh trống, cướp cờ... tạo không khí vui tươi giúp làng quê bớt ảm đạm. Dịp kỷ niệm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì những hoạt động như vậy ở tất cả các khu dân cư - bà Yên khẳng định.

Bạch Thanh