Mãi một tình yêu Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 06:04, 15/07/2012
"Phiêu" về Hà Nội
Trong căn phòng nhỏ ấm áp, ngồi bên chiếc đàn Piano đã ngả màu thời gian, Trần Hiếu vừa đàn vừa "phiêu" trong giai điệu, ca từ của "Hà Nội những đêm không ngủ", hòa cùng với người bạn đời Nguyễn Thị Minh Ngà để chào đón chúng tôi, những người đang xa Hà Nội như ông. "… Thánh thót đàn của ai ngân dài phố vắng, bài tình ca đất nước càng sâu lắng. Người Hà Nội mang trong tim độc lập tự do thiêng liêng ngẩng đầu lên ngân cao tiếng hát, dù đổ nát đau thương lòng chúng ta sáng ngời, máu xương giành lấy cuộc đời…".
Nghệ sĩ Trần Hiếu và vợ, bà Nguyễn Thị Minh Ngà. |
Bài hát được Phạm Tuyên sáng tác đúng lễ Noel ngày 24-12-1972. Hai ngày sau, tức 26-12-1972, Trần Hiếu đã được nhạc sĩ tin tưởng giao trọng trách thể hiện. Trong lúc "mưa bom bão đạn", tình thế vô cùng khẩn trương, không còn thời gian để tập, ông phải "hát sống", tức cầm tờ giấy chép bài hát vừa đọc nhạc, vừa đọc lời và ca ngay tại trận địa.
Đã chứng kiến 77 mùa xuân trôi qua, nhưng tâm hồn người nghệ sĩ già vẫn mạnh mẽ như tuổi đôi mươi, vẫn cháy hết mình trong từng lời ca, từng giai điệu, nhất là khi cất lên những lời ca về Hà Nội giữa nơi "đất khách quê người". Và lúc này người nghe mới cảm nhận được tình yêu Hà Nội của ông lớn đến mức nào. Nhưng theo Trần Hiếu, tình yêu của ông rất bình dị, chỉ là những kỷ niệm nho nhỏ ở những con ngõ nhỏ, phố nhỏ, những gốc cây bàng, cây sấu, cây me, cây hoa sữa… Là gốc cây si già bên đền Ngọc Sơn vào những buổi trưa hè ra ngồi ôn bài, nô đùa với chúng bạn…
Quê gốc ở "xứ Đoài mây trắng", nhưng Trần Hiếu lại được sinh ra, lớn lên và gắn chặt với những con phố của Hà Nội. Ông nhớ lại: Con đường nghệ thuật của ông được bắt đầu bằng việc… thi đỗ vào Đại học Mỏ - Địa chất. Nhưng vì tình yêu nghệ thuật, ông đã chuyển sang học khóa I, khoa Thanh nhạc của trường Âm nhạc Việt Nam (năm 1955). Tốt nghiệp thủ khoa, ông được giữ lại làm giảng viên. Sau đó, Trần Hiếu chuyển sang Đoàn Ca múa nhạc nhân dân trung ương, với hai vai trò là nghệ sĩ và giảng viên thanh nhạc. Chừng ấy năm dạy học, hàng chục thế hệ học trò của Trần Hiếu nay đã trưởng thành và đang cống hiến lời ca, tiếng hát ở khắp mọi miền Tổ quốc. Trong 53 lớp học trò của nghệ sĩ Trần Hiếu đã tốt nghiệp ra trường, có hai NSND là Thanh Hoa và cố nghệ sĩ Y Moan; khoảng hơn 20 NSƯT với những tên tuổi nổi tiếng như nghệ sĩ Thanh Thúy, Tấn Minh, Hà Thủy, Quốc Hưng, Hồng Kỳ, Trần Thủy, Đức Lộc…
Sống vui, sống khỏe, sống có ích
Tình yêu Hà Nội giờ đây đã được vợ chồng nghệ sĩ Trần Hiếu và những người bạn của ông gửi gắm vào lời ca, tiếng hát trong hoạt động của Đoàn nghệ thuật Serenade - Khúc ca ban chiều, với 32 diễn viên hầu hết là người gốc Hà Nội. Đoàn được thành lập năm 2006 với 7 người, ban đầu hoạt động với phương châm "vui là chính" để tập hợp những người Hà Nội yêu nghệ thuật có điều kiện cùng nhau cất lên tiếng hát về mảnh đất, con người Thủ đô. Với nhiều hoạt động sôi nổi trong hai năm sau đó, đoàn từng bước gây được tiếng vang và uy tín trong lòng công chúng, các buổi biểu diễn cứ thế tăng dần và ngày càng mang tính chuyên nghiệp. Trong 6 năm qua, Đoàn nghệ thuật Khúc ca ban chiều đã mang những lời ca, tiếng hát ngợi ca Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước và những giai điệu mượt mà, sâu lắng về Hà Nội đến với đồng bào, chiến sĩ từ các tỉnh, TP, các trường phía nam cho đến những bản làng xa xôi ở Tây Nguyên, thậm chí ra cả nước ngoài biểu diễn. Trần Hiếu nhớ lại kỷ niệm sâu sắc, nhất là đợt đi biểu diễn cho kiều bào ở Thái Lan: "Ban đầu kế hoạch chỉ diễn ở một tỉnh nhưng với tình yêu mến dành cho anh chị em nghệ sĩ, kiều bào đã giới thiệu và chúng tôi tiếp tục lưu diễn ở 10 tỉnh, thành vùng Đông bắc Thái Lan trong thời gian gần một tháng".
Một kỷ niệm nữa mà các thành viên trong đoàn cũng không bao giờ quên đó là đợt đi biểu diễn trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán năm 2011 tại 10 phường mà đời sống người dân còn nghèo ở quận Bình Thạnh. Trong đoàn có 25 diễn viên, nhưng mỗi đêm đoàn chỉ nhận thù lao 500 nghìn đồng và biểu diễn như vậy trong 10 ngày liên tiếp. "Có những đêm, khán giả kéo đến cả nghìn người, trời mưa tầm tã nhưng không ai bỏ về mà nghe hết buổi diễn khiến chúng tôi hết sức cảm động!"- nghệ sĩ Trần Hiếu chia sẻ.
Sự phát triển kế tục của đoàn cũng đã được Trưởng đoàn Trần Hiếu nghĩ đến khi đã thu hút được những "nghệ sĩ" tuổi đời còn trẻ tham gia, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Trung tá Minh Tuấn, Phó trưởng phòng An ninh (Công an TP Hồ Chí Minh); Xuân Úy, Khoa Kèn (Quân khu 7), Hữu Thành - chủ doanh nghiệp kinh doanh điện thoại di động, Lam Sơn - chủ nhà hàng…
Giờ đây, dù đã ở tuổi 77 nhưng NSND Trần Hiếu vẫn chưa thôi cống hiến. "Mắt đã mờ, chân đã chậm, tay đã run nhưng đầu óc còn minh mẫn, tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết lắm, phải sống vui, sống khỏe, sống có ích cho cộng đồng" - Trần Hiếu nói về quan điểm sống và cho hay, dù đã sang cái tuổi "xưa nay hiếm", nhưng tháng nào ông cũng có "sô", ít thì vài "sô", nhiều có khi đến cả chục, từ ca hát, dạy học đến làm giám khảo.
Điều đặc biệt ở người nghệ sĩ già là sự hóm hỉnh, chất lãng tử trong ông không "già" chút nào. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông đã nhiều lần ngẫu hứng ca bài "Ngẫu hứng phố" của chính người em là nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác. "Hà Nội cái gì cũng rẻ chỉ có đắt nhất bạn bè thôi. Hà Nội cái gì cũng rẻ chỉ có đắt nhất tình người thôi… Hà Nội đầu ô một chiều đầy gió một người không nỡ quay về. Hà Nội lòng tôi giấc mơ xa vời của người xa quê…".