”Hạ nhiệt” thị trường phân bón: Tăng cường nguồn cung

Kinh tế - Ngày đăng : 06:38, 14/07/2012

(HNM) - Trước tác động của giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới cùng lượng dự trữ trong nước xuống thấp đã khiến thị trường phân bón trong nước diễn biến bất thường, thiếu hàng, dẫn đến tăng giá cục bộ ở một số địa phương.


Thiếu hụt nguồn cung

Theo Bộ Công thương, từ đầu năm, các nhà máy trong nước đã đẩy mạnh sản xuất và nhiều đơn vị đã nhập khẩu một lượng phân bón lớn. Nhưng do lệch mùa vụ giữa các vùng miền, lãi suất ngân hàng cao nên nông dân chỉ mua ở mức vừa phải, dẫn đến cuối quý I lượng tồn kho phân bón tăng hơn 55% so với cùng kỳ. Để quay vòng đồng vốn, một số doanh nghiệp (DN) đã giảm giá bán, giảm lượng hàng tồn. Ngay sau đó, nhu cầu sử dụng tăng cao, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ hè thu, khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên dùng cho cây cà phê và cao su. Và đặc biệt là mùa mưa tại miền Nam đến sớm hơn mọi năm nên đã thiếu hàng khiến giá phân bón tăng cao. Theo kế hoạch, Nhà máy Đạm Cà Mau (công suất 800.000 tấn/năm) cung cấp sản phẩm ra thị trường vào tháng 2 và đạt 100% công suất vào tháng 4-2012; Nhà máy Đạm Ninh Bình (công suất 560.000 tấn/năm) cung cấp sản phẩm vào tháng 2-2012. Tuy nhiên, những nhà máy này đã không vận hành đúng kế hoạch, làm cho nguồn cung urê khan hiếm, cũng là nguyên nhân đẩy giá tăng cao. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển tăng cùng tác động của giá trên thị trường thế giới tăng cao nên giá phân bón trong nước tăng theo.

Sản xuất phân bón tại Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao. 
Ảnh: Khánh Nguyên

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nhu cầu phân bón các loại trong cả nước trong năm nay vào khoảng 9,8 triệu tấn. Trong đó urê 2 triệu tấn, đạm SA 710.000 tấn, kali 920.000 tấn, DAP 950.000 tấn, NPK 3,5 triệu tấn, lân các loại 1,8 triệu tấn. Tuy nhiên, khả năng sản xuất trong nước chỉ là 7,25 triệu tấn các loại, do vậy phải nhập thêm SA, kali, DAP. Trên thực tế, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường thế giới trong việc sản xuất một số loại phân bón, nên mỗi khi thị trường này có biến động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình trong nước. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm hoặc tăng giá bán. Từ đầu năm đến nay, giá phân bón trên thị trường thế giới luôn có xu hướng tăng, đặc biệt do ngành nông nghiệp của các quốc gia lớn như Ấn Độ, Trung Quốc… cùng vào vụ sản xuất cây lương thực chính nên giá nhập khẩu mặt hàng này trong tháng 6 đã tăng lên đến 461 USD/tấn so với mức 300 USD/tấn của cùng kỳ năm 2011. Giá bán urê ở các tỉnh phía Nam từ 570.000 đến 575.000 đồng/bao 50kg, tăng 70.000 đến 80.000 đồng so với đầu năm nay; một số tỉnh miền Bắc và miền Trung cao hơn, ở mức 590.000 đến 600.000 đồng/bao.

Giải pháp cho thị trường phân bón

Dự báo về thời gian tới, Bộ Công thương cho biết, thị trường trong nước sẽ có biến động do ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường phân bón quốc tế. Theo đó, các thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc dự báo sẽ tăng giá nhiều loại (đặc biệt là urê) và một số nước đã thực hiện chính sách không khuyến khích xuất khẩu phân bón để dùng trong nước.

Để giải quyết bài toán cung cầu và góp phần hạ nhiệt thị trường trong nước, Bộ Công thương đã đề nghị các nhà máy sản xuất cần hoạt động liên tục, ổn định để bảo đảm nguồn cung. Các nhà sản xuất phân đạm trong nước, các đầu mối nhập khẩu cũng phối hợp thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường và cần coi đó là trách nhiệm của DN với xã hội. Bộ cũng chỉ đạo Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) - đơn vị chiếm tới 60% thị phần đạm và chịu trách nhiệm bình ổn thị trường đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị vận chuyển trước lượng hàng về các kho đầu mối, kho trung chuyển, gửi kho đại lý ở các vùng miền trước cao điểm mùa vụ, đặc biệt là vụ đông xuân đang cận kề. Triển khai sớm kế hoạch tiêu thụ đạm Cà Mau, tránh để hiện tượng trong khi tồn kho lớn nhưng thị trường lại thiếu hàng như thời gian vừa qua. Nắm sát thông tin thị trường để điều tiết nguồn hàng tập trung cho các địa phương đang có nhu cầu cao, hạn chế việc tăng giá do thiếu hàng cục bộ. Bộ cũng yêu cầu hai nhà máy đạm Cà Mau và Ninh Bình sớm đi vào vận hành thương mại, cùng với Nhà máy Đạm Phú Mỹ vận hành ổn định để góp phần chấm dứt những cơn sốt giá.

Thanh Mai