Bế mạc kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV
Chính trị - Ngày đăng : 20:35, 13/07/2012
* Hà Nội sẽ có phố mang tên Đặng Thùy Trâm
(HNMO) - Chiều 13/7, kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội đã họp phiên bế mạc. Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo thay mặt UBND TP cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp, trên cơ sở đó sẽ tích cực triển khai thực hiện, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 và chuẩn bị tốt nhất cho năm 2013.
Để cả năm tăng trưởng kinh tế đạt từ 10-10,5%, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, điều hành hết sức linh hoạt. Cùng với những giải pháp đã và đang thực hiện trong thời gian qua, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, cùng với những giải pháp đã và đang thực hiện trong thời gian qua, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và duy trì tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, tái cấu trúc doanh nghiệp.Tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp rà soát, phân loại, xác định những giải pháp căn cơ để giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ đầu ra, tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, ưu tiên tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho vay, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu và các mục tiêu an sinh xã hội. Tổ chức thực hiện có hiệu quả dự toán chi ngân sách, quản lý và sử dụng có hiệu quả các khoản chi ngân sách. Rà soát, bố trí vốn cho những công trình cấp bách đã và đang triển khai, không khởi công mới công trình chưa cấp thiết, không bố trí vốn dàn trải, tập trung xây dựng các công trình, cụm công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2011-2015.
Về quản lý đô thị, thời gian qua công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị còn nhiều tồn tại, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo thẳng thắn thừa nhận: Nổi cộm nhất hiện nay là việc xây dựng trái phép, sai phép có biểu hiện gia tăng cả trong nội thành và ngoại thành. Mức độ, tính chất vi phạm ở một số công trình là rất nghiêm trọng ( cố tình vi phạm, cố ý làm trái). Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, có biểu hiện không chỉ nể nang, né tránh mà còn dung túng, thậm chí bị thao túng. Trong thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo sát sao công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành; nghiên cứu, ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc các khu vực nội đô lịch sử và quy chế quản lý kiến trúc toàn TP. Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, có biện pháp kiểm tra, kiểm soát thường xuyên để ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông; trong đó sẽ xây dựng một số cầu vượt có kết cấu nhẹ tại một số nút giao thông trên các tuyến đường vành đai 2,3 và một số nút giao thông quan trọng. Đồng thời thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công viên, cây xanh và hồ nước.
Đặc biệt, Chủ tịch cũng nhấn mạnh, gần đây xuất hiện tình trạng tập trung đông người kéo về Hà Nội khiếu kiện có tổ chức theo chỉ đạo của đối tượng xấu. Lợi dụng tình hình trên, các thế lực thù địch và số cơ hội chính trị đã kích động người dân, nhất là số người đi khiếu kiện ở các địa phương biểu tình để gây áp lực với chính quyền phải giải quyết những khiếu nại, yêu sách. Trước tình hình như vậy, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, TP sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp (tuyên truyền vận động, đấu tranh chính trị, tư tưởng, hành chính, pháp luật...), phối hợp chặt chẽ các lực lượng, các địa phương giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo tuyệt đối an toàn trật tự trên địa bàn TP, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị UBND TP tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của các đại biểu và căn cứ Nghị quyết của HĐND TP để bổ sung hoàn thiện, ban hành kịp thời hoặc trình Trung ương phê duyệt các Quy hoạch, Đề án đã được HĐND thông qua. Đồng thời khẩn trương tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết đã ban hành, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội "phấn đấu để HĐND TP Hà Nội trở thành đơn vị đi đầu trong đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND". Thường trực HĐND TP đề nghị các vị đại biểu HĐND TP phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trướccử tri, phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND TP. Các vị đại biểu HĐND TP phải tiếp tục cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri và giám sát chặt chẽ việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả. Phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong quá trình thảo luận và ra quyết định. Đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đưa hoạt động chất vấn thành một trong những hoạt động thường xuyên, hình thức giám sát trực tiếp và hiệu quả đối với bộ máy nhà nước. Tiếp tục tăng cường việc thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động của HĐND và của các cơ quan Nhà nước một cách thường xuyên, kịp thời, công khai, minh bạch để nhân dân, cử tri nắm bắt được các hoạt động chung của thành phố nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận cao và tin tưởng vào sự chỉ đạo điều hành của chính quyền. Giám sát và tham gia vào công việc chung của thành phố.
Chủ tịch HĐND TP tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu HĐND TP, sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của UBND TO cùng với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm cao của các cấp, ngành, tổ chức doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, kinh tế- xã hội của thành phố sẽ thu được nhiều kết quả tốt trong năm 2012.
* Hà Nội có thêm 34 đường, phố được đặt tên: Chiều 13/7, Kỳ họp thứ 5 HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua việc đặt tên 34 đường, phố mới. Trong đó có 24 đường, phố mang tên địa danh, 10 đường, phố mang tên danh nhân. Quận Cầu Giấy có phố mới mang tên Đặng Thùy Trâm cho đoạn từ ngõ 477 đường Hoàng Quốc Việt đến điểm giao cắt với phố Nghĩa Tân và phố Phạm Tuấn Tài. Ngoài ra, quận Cầu Giấy còn thêm hàng loạt phố mới như phố Dương Đình Nghệ, đoạn từ đường Phạm Hùng (tòa nhà Keangnam) đến ngã tư đường trong khu đô thị mới (tòa nhà công ty Mobifone); Phố Nguyễn Chánh: Đoạn từ số 218 đường Trần Duy Hưng đến ngã ba giao với vòng xuyến (cạnh trường tiểu học Nam Trung Yên), Quận Ba Đình có thêm phố Quần Ngựa, đoạn từ số 26 phố Văn Cao đến ngã ba ngõ 51 phố Đốc Ngữ. Quận Đống Đa có thêm phố Nam Đồng đoạn đường từ số nhà 161, 163 phố Xã Đàn (cạnh Ngân hàng Liên Việt) đến Khu ngoại giao đoàn (Giáp hồ Xã Đàn) giao cắt với phố Đặng Văn Ngữ. Quận Hà Đông có đường Biên Giang cho đoạn đường từ đầu cầu Mai Lĩnh (Km18+600) đến ranh giới hành chính quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ. Quận Hoàng Mai đặt có thêm 4 đường phố mới đó là phố Bùi Huy Bích đoạn từ ngã tư giao cắt với đường vành đai 3 (đối diện phố Trần Thủ Độ) đến khu kênh Pháp Vân (qua khu tái định cư khu dân cư X1); phố Trần Nguyên Đán đoạn từ ngã ba giao cắt phố Trần Điền đến số nhà 29, tổ 22 phường Định Công (đường vành đai 2,5); phố Thịnh Liệt đoạn từ ngõ 1.141 đường Giải Phóng đến khu dân cư số 10, tổ 31 phường Thịnh Liệt (gần nghĩa trang Thịnh Liệt); phố Hoàng Liệt đoạn giao cắt với phố Linh Đường đến hồ Linh Đàm. Quận Long Biên có thêm 6 đường phố mới đó là phố Kim Quan, đoạn từ ngã ba phố Ô Cách - Lệ Mật đến trường THCS Việt Hưng; đường Lâm Du đoạn từ điếm canh đê Ái Mộ (phường Bồ Đề) đến Trung tâm giải trí Phương Hiền Chi; phố Đặng Vũ Hỷ đoạn từ chân đê sông Đuống đến số 829 đường Ngô Gia Tự; phố Thạch Cầu đoạn từ chân đê sông Hồng (tổ dân phố số 2 phường Long Biên) đến ngã tư đường ra sông Hồng... Quận Tây Hồ cũng có thêm 3 tuyến đường phố mới đó là phố Thượng Thụy đoạn từ ngõ 425 đường An Dương Vương đến cạnh Công ty Lắp máy Inco (gần đường gom Ciputra - Phú Thượng); phố Quảng Khánh đoạn đường từ đầu khu 1,3ha gần phủ Tây Hồ, phường Quảng An đi qua khu biệt thự Tây Hồ đến lối rẽ vào di tích Lịch sử văn hoá cấp quốc gia - chùa Hoằng Ân, quận Tây Hồ; phố Quảng An đoạn đường từ đầu ngõ 27 đường Xuân Diệu đến đầu khu 1,3ha phường Quảng An (gần phủ Tây Hồ)… Các tuyến phố còn lại thuộc các huyện Mỹ Đức, Phúc Thọ, Từ Liêm... Thành phố cũng sẽ điều chỉnh kéo dài 3 tuyến phố: Phan Đình Giót (quận Hà Đông) kéo dài đoạn đường từ cuối phố Phan Đình Giót (gần trạm y tế phường La Khê) đến ngã ba gần Trường mầm non Tuổi Thần Tiên, phường La Khê; phố Thể Giao kéo dài đoạn từ cuối phố Thể Giao đến trường tiểu học Tây Sơn; phố Việt Hưng kéo dài đoạn từ cuối phố Việt Hưng đến đường vào Vincom Center Long Biên. Tờ trình của UBND Thành phố đề nghị đặt tên cho 41 đường phố, điều chỉnh kéo dài 3 tuyến đường phố, tuy nhiên sau ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu HĐND Thành phố quyết định thông qua Nghị quyết đặt tên cho 34 đường phố mới và điều chỉnh kéo dài 3 tuyến đường phố. Các tuyến phố được đề xuất nhưng không được thông qua trong kỳ họp này bao gồm: Phố Vũ Đình Tụng (đoạn từ phố Đỗ Đức Dục đến Đại lộ Thăng Long), phố Kiều Phú (đoạn từ Ban Quản lý dự án huyện Từ Liêm đến Khu đô thị Mỹ Đình I); đường Nguyễn Phúc (đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu (gần Cầu Diễn) đến ngã tư Xuân Hòa); phố Kẻ Vẽ (đoạn từ chân cầu Thăng Long (cạnh Trường trung cấp nghề giao thông vận tải) thuộc xóm 1 Đông Ngạc đến ngã ba giao cắt với đường Thụy Phương); đường Sen Tây Hồ (đoạn đường đối diện với công viên Hồ sen (rặng nhãn) đến hồ bơi Quảng Bá); đường Hà Trại (đoạn từ đê sông Hồng (đối diện UBND phường Cự Khối) đến chùa Hà Trại); phố Quan Hoa (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt chạy dọc theo sông Tô Lịch đến điểm giao với đường Cầu Giấy)./. (Theo Báo Điện tử ĐCSVN). |