“Không cần 100.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu”
Kinh tế - Ngày đăng : 16:00, 13/07/2012
Tại buổi gặp mặt báo chí ngày 12/7, khi được hỏi về kế hoạch lập công ty mua bán nợ xấu khoảng 100.000 tỷ đồng, Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Quyền Chánh Thanh tra Giám sát NHNN cho biết: Tôi xin khẳng định là tất cả mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu, chúng tôi chưa báo cáo Chính phủ một cách chính thức vấn đề này.
“Nhưng có người nói rằng công ty này phải cần tới số lượng vốn 100.000 tỷ đồng. Chúng tôi khẳng định là không cần 100.000 tỷ đồng tiền mặt để xử lý nợ xấu các ngân hàng Việt Nam.”- Ông Nghĩa nói tiếp.
Lý do được Quyền Chánh thanh tra Giám sát NHNN đưa ra là, nếu thành lập công ty này thì NHNN sẽ sử dụng nhiều công cụ tài chính để xử lý. Về mặt giá trị danh nghĩa của các khoản nợ cần phải xử lý có thể lên đến 100.000 tỷ đồng, nhưng khi mua bán lại thì giá của nó dựa trên cơ sở giá chiết khấu, giá trị tài sản bảo đảm, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Ảnh minh họa |
Nói về nguyên nhân dẫn đến chất lượng tín dụng suy giảm, ông Nghĩa cho biết, do tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng cầu chậm lại từ năm 2011; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng chậm, thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước; chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp; tiêu dùng cá nhân tăng chậm; chỉ số tồn kho tăng mạnh và ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước.
Khách hàng vay của tổ chức tín dụng (TCTD) có tình hình tài chính suy giảm, kém lành mạnh hoặc kinh doanh thua lỗ. Sản xuất kinh doanh phải đối mặt với vấn đề chi phí cao, lãi suất ngân hàng cao, thiếu vốn, đồng thời tiêu thụ hàng hoá khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến điều kiện tài chính, kết quả kinh doanh và khả năng trả nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng nhanh: Năm 2011 có 79.014 doanh nghiệp và tính từ đầu năm đến ngày 21/6/2012 có khoảng 25.250 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2011 (23.358 doanh nghiệp bị phá sản trong 6 tháng đầu năm 2011).
Về nguyên nhân chủ quan, hầu hết các TCTD theo đuổi chiến lược tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi năng lực quản trị rủi ro của TCTD còn nhiều hạn chế và chậm được cải thiện, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị dẫn đến nợ xấu tăng nhanh hơn dư nợ tín dụng. Một bộ phận không nhỏ vốn tín dụng và nhiều TCTD tập trung đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, chẳng hạn bất động sản. Khi các lĩnh vực này, đặc biệt là thị trường bất động sản đóng băng và giá bất động sản giảm sâu kéo theo nợ xấu cho vay lĩnh vực này tăng nhanh.
Ngoài ra, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng trong một thời gian dài chưa phát huy hiệu quả cao trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm, rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, nhất là các vi phạm quy định hạn chế cấp tín dụng và đầu tư quá mức vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.