Phát huy dân chủ để xây dựng Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 06:21, 18/12/2022
Tạo đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân
- Trước hết xin đồng chí cho biết, việc phát huy dân chủ có ý nghĩa như thế nào đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô hiện nay?
- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định là tiếp tục cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ, sức mạnh của nhân dân trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đảng ta đã nhận thức sâu sắc rằng, để đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,… nhất thiết phải xây dựng thành công nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bởi vì “dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”, không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội. Trong đó, nói đến dân chủ ở cơ sở là nói đến quyền của người dân được tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Đảng bộ thành phố Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 tổ chức Đảng trực thuộc và gần 47 vạn đảng viên (chiếm khoảng 9% số lượng đảng viên của cả nước). Hà Nội cũng là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư tập trung lớn, với gần 10,5 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc.
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Hà Nội luôn chú trọng thực hiện tốt, phát huy hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, qua đó tạo sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nhất là với những việc mới, việc khó. Nổi bật là Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6525-QĐ/TU ngày 25-9-2015 về “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Qua đó, từ năm 2017 đến nay, cấp thành phố đã tổ chức 18 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Cấp huyện, cấp xã cũng đưa vấn đề đối thoại trở thành sinh hoạt thường xuyên.
Đó là điều kiện tiền đề, cơ sở quan trọng để có thể thực hiện hiệu quả hơn việc tăng cường phát huy dân chủ trong Đảng và xã hội. Đặc biệt là thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn liền với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, chú trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng và phản biện của nhân dân để kịp thời bổ sung, điều chỉnh chủ trương, chính sách phù hợp.
- Thưa đồng chí, từ thực tiễn tại Hà Nội, vấn đề phát huy dân chủ ở cơ sở được nhìn nhận ở những khía cạnh nào tại hội thảo vừa qua?
- Các đại biểu đã phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Đồng thời, đánh giá thực trạng phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội thời gian qua và những vấn đề đặt ra; chỉ rõ những kết quả, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục; đề xuất quan điểm và hệ giải pháp đồng bộ, khả thi phát huy dân chủ, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm phát triển Thủ đô nhanh và bền vững thời gian tới.
Các tham luận cũng làm rõ hơn những lĩnh vực có vị trí, vai trò quan trọng, then chốt, nhất là thực tiễn phát huy dân chủ trong công tác cán bộ và xây dựng chính quyền đô thị tại Thủ đô; vấn đề thực hiện quyền làm chủ, giám sát của nhân dân khi không tổ chức HĐND phường và tìm tòi những biện pháp xử lý kịp thời, có hiệu quả từ thực tiễn của Hà Nội.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều tham luận chỉ rõ việc phát huy dân chủ ở cơ sở của Đảng bộ thành phố Hà Nội vẫn gặp một số rào cản, khó khăn, hạn chế. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này thế nào?
- Không thể phủ nhận những kết quả mà Đảng bộ thành phố Hà Nội đạt được trong công tác này, song thực tế cho thấy nhận thức và thực hành dân chủ ở một số địa phương, tổ chức cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Thực hành dân chủ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, chưa định hình được lề lối làm việc dân chủ, phong cách gần dân, tôn trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân, thiếu ý thức, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp, thậm chí còn có cả những biểu hiện thờ ơ trước nhu cầu chính đáng của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trong khi đó, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố ở một số cơ sở chưa xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, của cuộc sống. Cùng với đó, công tác xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận ở một số cấp ủy chưa kịp thời, hiệu quả thấp. Chỉ đạo triển khai xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi còn mang tính hình thức. Người dân nhiều nơi chưa có thói quen sử dụng pháp luật để bảo vệ, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức
- Để thực sự phát huy dân chủ cơ sở, Đảng bộ và chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội cần thực hiện những giải pháp trọng tâm gì, thưa đồng chí?
- Trước hết phải bảo đảm phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng. Việc thực hành dân chủ trong Đảng là cơ sở để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp của thành phố phải xây dựng, ban hành quy chế làm việc, thực hành dân chủ có nền nếp trong tổ chức Đảng, đồng thời tập trung thống nhất ý chí và hành động, góp phần trực tiếp vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, cấp ủy phải là tấm gương tiêu biểu nhất về phát huy dân chủ trong tổ chức và hoạt động của mình thông qua việc tiếp tục thực hiện bảo đảm quyền, nghĩa vụ của tổ chức Đảng, đảng viên được tự do sáng tạo, độc lập suy nghĩ, kiến nghị, được tôn trọng, tiếp thu ý kiến, vận dụng, sử dụng kết quả nghiên cứu trong các hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, mọi quyết định về công tác cán bộ phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Công khai, minh bạch về chỉ tiêu, về kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, thi nâng ngạch, nâng bậc, xét danh hiệu thi đua, xét nâng hạng; tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, cơ cấu, quy trình luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Đi đôi với phát huy dân chủ trong công tác cán bộ phải có quy định về kiểm soát, giám sát quan hệ lợi ích trong công tác cán bộ để việc này thực sự khách quan, công tâm. Phải làm việc theo quy chế, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ thời gian, rõ trách nhiệm. Tiếp tục thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, Ban Thường vụ báo cáo công việc và hoạt động của mình trước mỗi kỳ họp cấp ủy; cấp ủy báo cáo trước tổ chức Đảng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng (sinh hoạt chi bộ; sinh hoạt cấp ủy, Ban Thường vụ; sinh hoạt Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn), phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng.
- Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của thành phố cần làm gì để phát huy dân chủ ở cơ sở, thưa đồng chí?
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội của mình trên nhiều lĩnh vực, nhất là những vấn đề đụng chạm đến quyền và lợi ích trực tiếp của nhân dân; vận động, tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân, các đoàn viên, hội viên của tổ chức mình vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, vừa tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Vì thế, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố cần tăng cường chức năng giám sát, thực hiện giám sát có trọng tâm, trọng điểm đối với các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực thi nhiệm vụ. Trong đó, tăng cường giám sát việc lãnh đạo và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc chỉ đạo xây dựng quy chế và làm việc theo quy chế, việc thực hiện quy định về tiếp công dân, đối thoại với công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với chính quyền các cấp. Nâng cao đạo đức công vụ và tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức trong quan hệ với nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, làm cho mỗi người dân có thói quen sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp.
Để thực hiện được giải pháp này, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan của cấp ủy Đảng và chính quyền, Mặt trận các cấp nói riêng và toàn dân nói chung về hoạt động góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo hướng tăng cường cả chiều sâu và chiều rộng của nội dung tiếp xúc cử tri.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!