Có độ "vênh" lớn về số nợ xấu, vì sao?
Kinh tế - Ngày đăng : 17:07, 12/07/2012
Vì sao có sự chênh lệch trên?
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa-Quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước (NHNN), có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên:
Thứ nhất, các tiêu chí xác định nợ xấu theo quy định hiện hành có bao gồm tiêu chí định lượng (như: thời gian quá hạn, số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ,…) và tiêu chí định tính (chấm điểm, xếp hạng khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng). Việc bao gồm các tiêu chí định tính và định lượng trong phân loại nợ là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, do khoản nợ rủi ro và năng lực quản trị rủi ro của các TCTD là khác nhau, nên việc sử dụng các tiêu chí định tính trong phân loại nợ dễ dẫn đến sự thiếu minh bạch trong xác định và ghi nhận nợ xấu của TCTD.
Thứ hai, một số TCTD không thực hiện đúng quy định về phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu thấp hơn thực trạng và quy định để giảm chi phí trích lập DPRR.
Ảnh minh họa |
Thứ ba, do thiếu thông tin về phân loại nợ của khách hàng tại các TCTD, nên dẫn đến có sự khác nhau về nhóm nợ của 1 khách hàng quan hệ tại nhiều TCTD.
“Do các nguyên nhân trên, nợ xấu do TCTD báo cáo thường thấp hơn nợ xấu theo kết quả giám sát TCTD và còn thấp hơn nữa so với nợ xấu theo kết quả thanh tra tại chỗ của NHNN. Kết quả thanh tra tại chỗ vừa qua đối với một số NHTMCP yếu kém thuộc diện phải cơ cấu lại cho thấy nợ xấu thực tế của các TCTD cao hơn nhiều số hiện báo cáo của TCTD.”-Ông Nghĩa nói.
Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) đến cuối tháng 5/2012 vào khoảng 197.000 tỷ, chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng dự nợ 2,6 triệu tỷ của toàn hệ thống ngân hàng; trong đó nợ xấu cho vay đầu tư kinh doanh BĐS là khoảng 12.000 tỷ đồng chiếm 6,5% dư nợ BĐS và tương đương 10,3% tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Cũng tính đến cuối tháng 5, dư nợ cho vay chứng khoán là gần 12.000 tỷ và nợ xấu 485 tỷ đồng, chiếm 4,1% dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Theo báo cáo của các TCTD có đến 84% dư nợ xấu được đảm bảo bằng tài sản, 16% dư nợ xấu không có tài sản đảm bảo. Giá trị tài sản bảo đảm bằng 135% giá trị nợ xấu.
Hiện nay nợ thuộc nhóm có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm 40% trong tổng số nợ xấu.
Ông Nghĩa cho biết, so với tổng dư nợ cấp tín dụng cho nền kinh tế Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu hiện nay ở mức 4,47% theo báo cáo của TCTD hay 8,6% theo kết quả giám sát vẫn thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu của một số nước trong khu vực tại thời điểm Chính phủ phải đứng ra xử lý nợ xấu, cụ thể: Hàn Quốc là 17% (tháng 3/1998), Thái Lan: 47,7% (tháng 5/1999), Malaysia: 11,4% (tháng 9/1998), Indonesia: trên 50% (năm 1999).