Có cả yếu kém trong thanh tra và xử lý sau thanh tra

Đời sống - Ngày đăng : 16:03, 12/07/2012

(HNMO) - Ngày 12-7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã họp báo thông tin về kết quả hoạt động quý II-2012. Lần đầu tiên các Phó Tổng TTCP: Lê Tiến Hào, Nguyễn Văn Sản công khai về những “lình xình” xung quanh việc rút một thành viên đoàn thanh tra khi thanh tra công tác quản lý liên kết đào đạo của ĐH Quốc gia Hà Nội; việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và hàng loạt sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về quản lý vốn, tài sản tại Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam

Toàn cảnh cuộc họp báo - Ảnh: VGP

Thực hiện kết luận sau thanh tra- yếu

Cho rằng thực hiện chưa đầy đủ kết luận sau thanh tra là điểm yếu của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hiện nay, nội dung được các cơ quan báo chí quan tâm tại cuộc họp báo là kết quả thực hiện kiến nghị sau thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) hiện như thế nào. Thừa nhận thực trạng kể tên, ông Nguyễn Văn Sản, Phó Tổng TTCP khẳng định, sau khi TTCP công bố và kiến nghị một số nội dung sau thanh tra tại Petro Vietnam, tập đoàn này đã có báo cáo gửi cơ quan thanh tra, phản hồi một số nội dung mà TTCP kết luận và kiến nghị. Theo đó, đối với khoản tiền chưa thu hồi về quỹ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp từ việc cổ phần hóa tại một số đơn vị với tổng giá trị là 1.922,205 tỷ đồng và hơn 185 tỷ đồng tiền lãi, Petro Vietnam mới chỉ đạo các đơn vị nộp lại được hơn 1.900 tỷ đồng. Riêng việc sử dụng lãi 15.601,100 tỷ đồng thuộc khoản tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm… PetroVietnam cho biết đều được thực hiện theo văn bản mới nhất của Chính phủ.

Cán bộ TTCP nhận quà của đôí tượng bị thanh tra

Một nội dung khác lần đầu tiên TTCP lên tiếng thừa nhận, đó là có việc rút một thành viên thanh tra khi thanh tra việc liên kết đào tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Cụ thể, tối ngày 19- 10- 2011, ông Nguyễn Mạnh Cường (Phó đoàn thanh tra kể trên- PV ) đã vi phạm quy chế Đoàn thanh tra (nhận một bó hoa, một búp bê và một chai rượu do ông Nguyễn Việt Anh – Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC)- đơn vị trực thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội ETC tự mang đến nhà riêng tặng nhân ngày 20-10). Việc này không làm ảnh hưởng đến nội dung, chất lượng thanh tra nhưng đã khiến tiến độ thanh tra bị trục trặc ít nhiều. TTCP đã có quyết định cho thôi tham gia Đoàn thanh tra và xử lý kỷ luật ông Cường. Trong quá trình kiểm điểm, ông Cường cho rằng, ETC làm việc này theo ý đồ từ trước. Kịch bản tương tự cũng đã xảy ra với một cơ quan pháp luật khi buổi sáng điều tra viên đến ETC làm việc thì buổi tối ETC đã tự tìm và cử người đến nhà cán bộ này chơi và kèm theo là túi quà. Những nội dung này đang được tiếp tục xác minh.Tới đây, Ủy ban Kiểm tra TƯ sẽ làm việc với TTCP để có kết luận cuối cùng. Quan điểm của ông Lê Tiến Hào là kiến nghị xử lý nghiêm cả bên tặng và bên nhận quà.

Không có chuyện lạm quyền

Về ý kiến dư luận cho rằng, Đoàn thanh tra không tập trung thanh tra vào công tác quản lý Nhà nước theo đúng nội dung Quyết định số 2229/QĐ-TTCP của TTCP mà chủ yếu thanh tra những vấn đề tài chính, kế toán, kiểm tra tài khoản của ETC và các đối tác của ETC- ông Nguyễn Văn Sản khẳng định: không đúng. Theo kế hoạch đã được Tổng TTCP phê duyệt có nội dung xem xét công tác thu chi tài chính trong liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau đại học. Đây cũng là một trong những nội dung về công tác quản lý Nhà nước. Hiện những kết luận của TTCP về việc áp dụng các văn bản pháp luật trong quá trình thanh tra, những dấu hiện sai phạm về kinh tế đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu báo cáo quan điểm trước khi Phó Thủ tướng Chính phủ có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, công tác thanh tra vẫn đang được tiếp tục vì có một số vấn đề mới phát sinh, phía Đại học Quốc gia Hà Nội hiện vẫn chưa trình ra được các tài liệu, bằng chứng cho việc chấp hành đúng pháp luật của mình.

Cũng trong quý II, Chính phủ đã cho ý kiến về kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý vốn, tài sản tại Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines). Nổi lên 3 vấn đề lớn là chương trình đóng mới tàu tiến độ chậm so với kế hoạch 7 năm, chậm quyết toán đã làm tăng chi phí đầu tư. Hầu hết các dự án mua tàu đều được lập sơ sài. 39/100 tàu đưa vào khai thác lỗ, thậm chí là lỗ nặng phải bán. Mặt khác, chủ trương của Chính phủ là trẻ hóa đội tàu thì Vinalines lại mua về 17 tàu trên 15 tuổi không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam. Đến nay, khoảng 1.836 tỷ đồng mà Vinalines đầu tư dở dang không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí. Xảy ra sai phạm trên trách nhiệm thuộc tập thể lãnh đạo của Tổng Công ty, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nay là Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc và trưởng các ban liên quan của Tổng Công ty các thời kì từ năm 2005 - 2010.

Ngày 20-7, TTCP sẽ trình dự án sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống tham nhũng lên Chính phủ nhằm tháo gỡ tình trạng “đục khoét của công” kể trên. Chính phủ thông qua và trình Quốc hội vào tháng 10-2012.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, trong quý II, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đối với 6 kết luận thanh tra của TTCP, bao gồm: thanh tra tại Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Hóa chất, Vinalines, quản lý sử dụng đất tại Kiên Giang; quản lý đầu tư xây dựng tại Vĩnh Phúc; giải quyết khiếu nại và phòng chống tham nhũng tại Bến Tre. Tổng hợp kết quả từ 6 cuộc thanh tra đã có ý kiến của Thủ tướng nói trên, TTCP đã kiến nghị thu hồi về cho ngân sách 1.503 tỷ đồng, 48 ha đất. Yêu cầu các cơ quan thẩm quyền xem xét, xử lý 1.978 tỷ đồng (trong đó vi phạm chủ yếu do hạch toán sai quy định, chi không đúng đối tượng, chưa được phê duyệt) và 155 ha đất.

Hà Phong