Nhiều vấn đề chưa phù hợp
Đời sống - Ngày đăng : 07:50, 12/07/2012
Vận hành dây chuyền cấp nước sạch tại Nhà máy nước Nam Dư.Ảnh: Trung Kiên
Bà Lương Thị Huyền (phường Văn Miếu, quận Đống Đa): Phải có lộ trình phù hợp
Lý do mà Tổng Công ty Nước sạch Hà Nội đưa ra để tăng giá nước là vì các chi phí cho sản xuất luôn trong tình trạng tăng, trong khi đó giá bán nước ở Hà Nội lại thấp nhất cả nước. Điều này khiến ngân sách của thành phố phải "gánh" thêm những khoản trợ giá lớn, trong khi đó một bộ phận người dân lại không có ý thức sử dụng nước tiết kiệm. Đây là thực tế không ai có thể phủ nhận, song, tăng ở mức nào cho hợp lý. Lương của cán bộ, công chức, viên chức vừa tăng được chút ít thì hàng loạt các dịch vụ thiết yếu cũng "nhảy múa" theo, do đó không thể nói mức tăng này không ảnh hưởng đến người dân. Theo tôi, Tổng Công ty Nước sạch Hà Nội cần có sự sắp xếp, phân đoạn với lộ trình tăng cho phù hợp để người dân hiểu, cùng đồng thuận.
Bà Hà Thị Tuyến (ngõ 98, phố Thái Hà, quận Đống Đa): Lý do tăng giá chưa được lý giải đầy đủ
Thời gian gần đây, nhiều ngành, nhiều đơn vị tăng giá dịch vụ hoặc có đề xuất được tăng như giá vé tàu Thống Nhất, giá vé xe buýt… trong khi đó nhiều mặt hàng thiết yếu khác vẫn ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Điều này khiến người dân lo ngại, thiếu tin tưởng và không ủng hộ đề xuất tăng giá của các đơn vị, gây tâm lý bất an cho xã hội. Chưa kể, nhiều khu vực dân cư vẫn phải gánh chịu những khó khăn, vất vả do chất lượng dịch vụ cung cấp nước của doanh nghiệp chưa cao… Ngoài ra, doanh nghiệp còn lý giải 4 tháng đầu năm 2012 đã lỗ 32 tỷ đồng vì giá bán nước quá thấp, nhưng lại không nói rõ trong số đó có bao nhiêu phần trăm là do lượng nước bị thất thoát, lãng phí. Theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, thì 30% lượng nước bị thất thoát là con số không hề nhỏ, song không thấy Tổng Công ty Nước sạch đưa ra hướng khắc phục. Nếu doanh nghiệp đầu tư, tìm giải pháp giảm tỷ lệ thất thoát nước thì số tiền thua lỗ chắc chắn không lớn đến thế. Tại sao ngành nước không khắc phục những khó khăn này trước mà lại đẩy sang vai người dân? Theo tôi, nếu có một sự lý giải phân minh, rành mạch về trách nhiệm, tài chính… từ phía doanh nghiệp thì sẽ nhận được sự ủng hộ của đa số người dân.
Sinh viên Chu Hải Yến (Trường Đại học Dân lập Thăng Long): Gánh nặng với người có thu nhập thấp
Hiện nhiều người thuê nhà phải trả tiền nước từ 60.000-80.000 đồng/tháng/người và với mức tăng như đề xuất chưa biết chừng chúng tôi có thể phải trả đến 100.000 đồng/người/tháng. Đây là số tiền không nhỏ so với thu nhập rất "bình dân" của người lao động nghèo. Tôi cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, nhiều gia đình phải tính toán, thắt chặt chi tiêu thì đề xuất tăng giá nước đến 35% là quá cao, không phù hợp. Chưa kể, sau khi điện, nước tăng thì hàng loạt các mặt hàng khác giá cũng "ăn" theo. Vẫn biết, tăng giá là điều khó tránh khỏi, song Tổng Công ty Nước sạch Hà Nội cần có chính sách với từng đối tượng, đặc biệt đối với sinh viên, người có thu nhập thấp nên có những ưu đãi nhất định.
Ông Vũ Văn (phường Mộ Lao, quận Hà Đông): Quyền lợi của người tiêu dùng phải được coi trọng
Giữa những ngày hè nóng nực, cả khu phố nhà bạn bị mất nước, mọi người phải tự xoay xở, đôn đáo đi xin, đi mua nước sạch về dùng hay có những ngày nước bỗng dưng nổi váng, đục ngầu… Khi đó bạn sẽ thấy đề nghị tăng giá bán nước lên đến 35% của doanh nghiệp là chưa hợp lý. Người dân rất đồng cảm với khó khăn trong sản xuất của doanh nghiệp, nhưng liệu sau khi tăng giá bán Tổng Công ty Nước sạch Hà Nội có đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường ống không hay lại tăng chi cho lương, thưởng? Tôi đồng ý tăng giá bán nước để phù hợp với giá cả thị trường, mặt khác cũng là cách để chống lãng phí đối với một số người dân khi sử dụng nước… Song doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao trách nhiệm, đổi mới cách thức quản lý, có biện pháp chống thất thoát và khi chất lượng phục vụ không tương xứng phải bồi thường thỏa đáng cho người tiêu dùng. Theo tôi, quyền lợi, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ và người hưởng dịch vụ phải có sự tương đồng.