Chưa có sự quan tâm đúng mức

Đời sống - Ngày đăng : 07:47, 12/07/2012

Nghị định 94/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định, người sau cai nghiện ma túy (NSCNMT) sẽ được chính quyền, đoàn thể địa phương tiếp cận, tư vấn tâm lý, tạo điều kiện hướng nghiệp, học nghề và tạo việc làm.


Kết quả kiểm tra, khảo sát của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho thấy, hầu hết những NSCNMT tại nơi cư trú không được chính quyền hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, số ít tìm được công việc cho bản thân là do gia đình sắp xếp.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, hiện các trung tâm quản lý sau cai nghiện đang quản lý 1.903 NSCNMT, trong đó Trung tâm Quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm số I Hà Nội là 1.203 người, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số II là 117 người, Trung tâm Giáo dục lao động hướng nghiệp thanh niên Hà Nội 583 người. Các quận, huyện, thị xã quản lý 971 NSCNMT tại nơi cư trú, nhiều nhất là quận Đống Đa 78 người, quận Hai Bà Trưng 66 người, quận Long Biên 60 người, huyện Đông Anh 53 người... ít nhất là các huyện Thạch Thất, Thanh Oai, Quốc Oai, mỗi huyện có hơn chục người.

UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH cùng các quận, huyện, thị xã tổ chức tốt công tác quản lý NSCNMT. Bên cạnh đó, TP ban hành Quyết định 60/2010/QĐ-UBND quy định chế độ hỗ trợ đối với người áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú, chế độ hỗ trợ đối với người áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy tại trung tâm quản lý sau cai nghiện. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi giúp NSCNMT cai nghiện thành công, đó là việc làm và thu nhập ổn định thì lại có kết quả không đáng là bao.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho thấy, năm 2011 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ, các trung tâm thực hiện chức năng quản lý sau cai nghiện ma túy dạy nghề cho 300 người/1.903 người, đạt tỷ lệ 15,76%. Mặc dù hầu hết học viên sau khi được dạy nghề đều có việc làm nhưng thu nhập lại rất thấp, chỉ từ 223.000 đồng/người/tháng đến 600.000 đồng/người/tháng. Tỷ lệ này ở các trung tâm đã thấp, ở nơi cư trú còn thấp hơn. Trong số 971 NSCNMT tại nơi cư trú mới chỉ có 409 người được hỗ trợ tạo việc làm, 28 người được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, 4 người được hỗ trợ học nghề. Trong số 409 NSCNMT được hỗ trợ tạo việc làm thì phần lớn là do gia đình tự sắp xếp như may gia công (gia đình có xưởng may), bán cà phê (cửa hàng của gia đình), rửa xe máy tại nhà, kinh doanh internet... "Nguyên nhân của tình trạng trên là do chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú, việc phân công người tham gia giúp đỡ NSCNMT chỉ là hình thức" - ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội nhận xét.

Báo cáo của các quận, huyện, thị xã cho thấy, hầu hết số NSCNMT thực hiện quản lý sau cai tại nơi cư trú đã được giới thiệu vào sinh hoạt ở CLB B93, được các đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đội hoạt động xã hội tình nguyện quan tâm, giúp đỡ, tư vấn phòng chống tái nghiện và tạo nhiều cơ hội để tái hòa nhập cộng đồng. Các học viên sau khi cai nghiện trở về đều được UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú phân công giúp đỡ. Thế nhưng trên thực tế, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tiến hành kiểm tra, khảo sát ngẫu nhiên 16 NSCNMT trở về địa phương lại cho kết quả hoàn toàn khác. Chỉ có 1 người được phân công giúp đỡ, 1 người được hỗ trợ vay vốn tạo việc làm. Có tới 14 người không có ai đến tiếp xúc, động viên, thăm hỏi hay giúp đỡ mà chỉ có cảnh sát khu vực đến hỏi thăm hoặc mời ra trụ sở công an phường xét nghiệm nước tiểu.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành lao động, để cai nghiện ma túy thành công đòi hỏi sự quyết tâm, nghị lực của người cai nghiện, sự quan tâm, gần gũi động viên của người thân gia đình, cộng đồng cùng công ăn việc làm và có thu nhập ổn định. Các cấp chính quyền chưa thực sự vào cuộc quyết liệt; một bộ phận tổ chức, cá nhân có nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn còn e dè không muốn tiếp nhận... Không tìm được việc làm, "nhàn cư vi bất thiện", nhiều NSCNMT đã tái nghiện.

Để NSCNMT tái hòa nhập với cộng đồng cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các tổ chức, đoàn thể và chính quyền các cấp, trong đó đặc biệt là việc học nghề, tìm kiếm việc làm.

Quỳnh Anh