Xây dựng trường học đạt chuẩn: Không chỉ thiếu đất, thiếu tiền

Giáo dục - Ngày đăng : 07:06, 12/07/2012

(HNM) - Tính đến hết tháng 5-2012, có 655 trường học trên địa bàn TP được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 28%. Hà Nội phấn đấu nâng tỷ lệ này lên khoảng 50-55% vào năm 2015.


Chỗ nào cũng… khó

Để đạt mục tiêu đề ra, Sở GD-ĐT Hà Nội đã lập kế hoạch đầu tư, lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn trên địa bàn. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015, toàn thành phố cần xây dựng thêm 660 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, năm ít nhất (năm 2015) cũng cần xây dựng đến 128 trường - một khối lượng công việc không hề nhỏ.


Thiếu quỹ đất và thiếu kinh phí là những trở ngại trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trong khu vực nội thành.Ảnh: Nguyên An

Tại hội nghị giao ban do Sở GD-ĐT chủ trì để kiểm điểm tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia diễn ra đầu tháng 7, đại diện lãnh đạo các đơn vị khu vực nội thành và ngoại thành đều thể hiện quyết tâm phấn đấu theo đúng lộ trình, song không giấu nổi lo âu và đề xuất được hỗ trợ để có thể vượt qua "chướng ngại vật". Mỗi nơi đều có những cái khó riêng. Huyện Thanh Trì, đơn vị có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia vào loại cao nhất TP với 52,5% số trường đã đạt chuẩn, cũng khó khăn trong quá trình đầu tư cho các đơn vị ở vùng bãi do vướng Luật Đê điều. Lãnh đạo huyện này cho biết hiện có 6 trường ở các xã Duyên Hà, Vạn Phúc, Yên Mỹ đều đã đạt chuẩn về mọi điều kiện phục vụ dạy - học, song lại khó có thể được công nhận chuẩn.

Các trường khu vực nội thành thiếu quỹ đất, vùng ngoại thành thiếu kinh phí vẫn là điệp khúc được nhắc lại trong lần rà soát tiến độ lần này. Bộ GD-ĐT đã nới nhiều điều kiện, như trường chuẩn quốc gia khu vực nội thành không nhất thiết phải bảo đảm diện tích mặt sàn sử dụng dưới 6m2/HS, có thể bố trí khu hoạt động giáo dục thể chất thay cho việc xây dựng nhà giáo dục thể chất… song việc tiến tới chuẩn của các trường vẫn nhiều gian truân. Quận Ba Đình, Hai Bà Trưng đều có tỷ lệ trường đạt chuẩn ở dưới mức 20%, nằm trong nhóm các đơn vị có tỷ lệ thấp nhất TP. Phú Xuyên cũng nằm trong nhóm này và đang hụt hơi với nguồn kinh phí khoảng 700 tỷ đồng để xây dựng thêm 45 trường đạt chuẩn nữa trong khoảng thời gian tới. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết, kinh phí đầu tư cho giáo dục hằng năm đều ở mức trên 50 tỷ đồng, song mới chỉ đủ khả năng cải tạo cho các công trình còn dở dang hoặc xuống cấp.

Bỏ quên mầm non?

Điều đáng nói là mặc dù tỷ lệ trường đạt chuẩn trung bình toàn TP hiện ở mức 28%, song tỷ lệ trường đạt chuẩn giữa các cấp học khá chênh lệch. Trong khi cấp tiểu học có 46,5% số trường đạt chuẩn, THCS là 31,5%, thì ở mầm non (MN), tỷ lệ này mới ở mức 14,4%. Kể cả ở những quận, huyện nằm trong nhóm có tỷ lệ trường đạt chuẩn cao nhất TP (trên 40%) như Đan Phượng, Thanh Trì, Long Biên, Gia Lâm, Hà Đông, số trường MN đạt chuẩn vẫn ở mức khiêm tốn. Nhiều nơi như Phú Xuyên, Thường Tín, Quốc Oai, Ba Vì… mới có trên dưới 3% số trường MN đạt chuẩn.

Một trong những lý do cơ bản là các địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức cho sự phát triển của giáo dục MN. Mặc dù dự kiến sẽ đạt mục tiêu 55% số trường đạt chuẩn vào cuối năm nay, song lãnh đạo ngành GD-ĐT huyện Gia Lâm cũng thừa nhận là mới chỉ tập trung đầu tư cho cấp tiểu học và THCS; cấp học MN mới có 4 trong tổng số 24 trường đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 16%. Còn ở quận Ba Đình, tỷ lệ trường đạt chuẩn chung là 25%, song chỉ có 1 trường MN được công nhận chuẩn trong tổng số 21 trường hiện có.

Đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm cũng là một trong những căn nguyên khiến cho tiến độ đạt chuẩn ở cấp học MN còn chậm. Năm học 2011-2012, huyện Thanh Oai đăng ký danh sách 6 trường MN phấn đấu đạt chuẩn, song đến nay chưa có trường nào được công nhận, vì vậy giữ "vị trí" là đơn vị duy nhất chưa có trường MN nào đạt chuẩn. Việc xây dựng kế hoạch, chọn danh mục đăng ký trường đạt chuẩn hằng năm ở một số huyện như Ba Vì, Chương Mỹ... chưa sát thực tế nên năm trước đăng ký, năm sau lại thay đổi, có nơi thay đổi toàn bộ danh mục.

Đề án nâng cao chất lượng giáo dục MN của thành phố cũng đặt ra yêu cầu phải đạt 50% số trường đạt chuẩn vào năm 2015. Song với tiến độ hiện nay, rõ ràng là cấp học MN khó thể đạt mục tiêu. Thường Tín đặt đích phải có 15 trường MN đạt chuẩn vào năm 2015, song hiện chỉ có 1 trường đạt; Ứng Hòa phấn đấu 15 trường, nay mới có 2; Mê Linh mới có 2/15 trường, Ba Vì có 1/18 trường, Hai Bà Trưng có 6/12 trường…

Thực tế trên cho thấy, chặng đường tiến tới chuẩn của các đơn vị không chỉ cần sự hỗ trợ về đất đai, kinh phí mà còn cần cả sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, quan điểm chỉ đạo, đầu tư của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương.

Theo kế hoạch, để đạt mục tiêu 55% số trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015, trong năm 2012, Hà Nội phải xây dựng 138 trường. Kết quả rà soát chỉ có 100 trường bảo đảm điều kiện khả thi và được giao chỉ tiêu. Tính đến hết tháng 6-2012, số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn TP là 18, chiếm tỷ lệ 18% kế hoạch giao.

Thống Nhất