Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại nội địa

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:56, 11/07/2012

(HNM) - Hàng Việt ngày càng khởi sắc cả về chất và lượng, nhưng sự hiện diện của hàng Việt trên thị trường, nhất là ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều trở ngại. Thực tế cho thấy, bên cạnh những khó khăn khác như sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, đầu tư truyền thông... thì xây dựng hệ thống phân phối là một trong những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp (DN) "nội".

Hàng Việt Nam ngày càng chiếm được ưu thế với người tiêu dùng trong nước. 
Ảnh: Bá Hoạt

Hiện nay, Hà Nội có 20 trung tâm thương mại (TTTM), 110 siêu thị và 411 chợ. Phần lớn các TTTM, siêu thị này có quy mô vừa và nhỏ, loại hình kinh doanh còn đơn điệu, chủ yếu là trung tâm mua sắm, bán lẻ kết hợp với văn phòng cho thuê. Bên cạnh đó, mạng lưới TTTM - siêu thị chưa được phân bổ hợp lý, chưa có những TTTM cấp khu vực, quốc tế, lấy kinh doanh bán buôn làm chủ đạo. Trình độ quản lý kinh doanh và hoạt động dịch vụ của mạng lưới này chỉ ở mức trung bình. Chợ truyền thống dù đang chiếm ưu thế trong việc phân phối hàng hóa, tuy nhiên việc tiếp cận và xây dựng hệ thống phân phối bài bản ở chợ lại không đơn giản đối với nhiều DN. Trong khi đó, để có được 1m2 đầu tư cho dịch vụ bán lẻ, DN phải trả 65-70 USD/m2/tháng thuê mặt bằng. Thậm chí, nếu muốn thuê được mặt bằng địa thế đẹp, thuận lợi, giá thuê có thể lên đến 220-250 USD/m2/tháng. Giá thuê mặt bằng như vậy đã khiến không ít DN phải "chùn bước".

Mặc dù vậy, nhưng nhiều DN sản xuất hàng Việt đều khẳng định muốn có chỗ đứng lâu dài trên thị trường, không cách nào khác là phải nghĩ cách đầu tư, cải thiện khâu phân phối hàng hóa. Trước đây, hệ thống cửa hàng, đại lý của các DN dệt may chỉ có mặt ở những TP lớn, nhưng nay người tiêu dùng đã dễ dàng tìm thấy hệ thống bán lẻ hàng may mặc ở khắp các tỉnh, TP trên cả nước. Đặc biệt, để phát triển mạng lưới phân phối, góp phần nâng cao hiệu quả và giảm chi phí cho hoạt động đưa hàng về nông thôn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam còn xây dựng hệ thống siêu thị Vinatex Mart với 67 điểm bán hàng ở các tỉnh, TP, đồng thời tổ chức hàng trăm đợt bán hàng tới các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa. Năm nay, Vinatex Mart tiếp tục mở rộng quy mô hệ thống và khai trương các siêu thị, cửa hàng nhằm từng bước hoàn thành mục tiêu phát triển hơn 200 điểm bán hàng vào năm 2015. Đại diện tập đoàn cho biết, bên cạnh những khó khăn như sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, đầu tư truyền thông… thì xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm là một trong những thách thức lớn nhất của DN.

Để từng bước xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa sản xuất trong nước, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phát triển hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Đây là khâu đột phá trong việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Các nhà phân phối lớn thuộc các thành phần kinh tế tăng cường liên kết phát huy sức mạnh về vốn, kinh nghiệm thị trường xây dựng các trung tâm dự trữ hàng ở những khu vực có sức mua lớn, chủ động mua hàng của các nhà sản xuất, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, sản xuất theo mùa vụ tiêu thụ quanh năm. Tổ chức tốt khâu dự trữ, lưu thông để chủ động điều tiết thị trường, gắn kết chặt chẽ hoạt động sản xuất với đẩy mạnh lưu thông hàng hóa sản xuất trong nước. Để nhanh chóng cải thiện kết cấu hạ tầng của ngành dịch vụ phân phối, các cấp có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích ưu đãi phát triển hạ tầng thương mại, bổ sung các dự án hạ tầng thương mại vào danh mục được ưu đãi tín dụng đầu tư. Định hướng các địa phương trong việc ưu tiên dành quỹ đất, quy hoạch phát triển thương mại cho các DN phân phối khai thác, sử dụng. Hỗ trợ DN phân phối về giá thuê mặt bằng, giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính. Khôi phục và mở rộng mô hình hợp tác xã trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phân phối ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; coi đây là một phần của hệ thống phân phối bán lẻ ở các địa bàn khó khăn. Những hỗ trợ tích cực của chính quyền là cơ sở quyết định để các DN thương mại mở rộng hệ thống phân phối, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của các cơ sở sản xuất.

Thanh Hiền