Cố tình xem nhẹ kỷ cương
Đời sống - Ngày đăng : 06:20, 11/07/2012
Bộ NN&PTNT đề nghị UBND TP Hà Nội xử lý, hoàn trả lại hiện trạng xong trước ngày 30-6-2012. Tuy nhiên, đến thời điểm này sai phạm vẫn chưa được xử lý, gây bức xúc dư luận.
Công ty Khai thác điểm để xe Hà Nội đổ vật liệu, phế thải san lấp mặt bằng khu vực gầm cầu Thanh Trì. Ảnh: Đào Huyền |
Tìm hiểu sự việc trên được biết, ngày 20-5-2011, Sở Giao thông vận tải Hà Nội có Quyết định số 513/QĐ-GTVT giao cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe (KTĐĐX) Hà Nội tạm tiếp nhận, quản lý điểm đỗ xe công cộng dưới gầm cầu Thanh Trì thời hạn một năm (sau đó tiếp tục gia hạn đến ngày 2-6-2012). Sau khi tiếp nhận, ngày 31-5-2011, Công ty KTĐĐX Hà Nội mới lập dự án đề xuất cho đổ đất, phế thải xây dựng, san lấp mặt bằng, tôn cao nền bãi sông làm bãi đỗ xe. Tuy nhiên, thực tế là từ trước đó dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, công ty này đã tiến hành san lấp mặt bằng và ngày 22-5-2011, Hạt quản lý đê số 3 kiểm tra, phát hiện Công ty KTĐĐX Hà Nội đang đổ đất và phế thải đã yêu cầu công ty dừng lại, làm hồ sơ gửi Sở NN&PTNT.
Ngày 13-7-2011, Sở NN&PTNT Hà Nội có văn bản số 1157 không chấp thuận dự án xây dựng điểm đỗ xe tại gầm cầu Thanh Trì tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai từ trụ số 31 đến 44, bởi đây là diện tích nằm trong hành lang thoát lũ sông Hồng. Sau khi có ý kiến của Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai đã giao cho các đơn vị liên quan kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu Công ty KTĐĐX Hà Nội phải dừng ngay việc đổ đất, phế thải xây dựng tại khu gầm cầu được giao quản lý. Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Hạt quản lý đê số 3 lập biên bản, yêu cầu dừng ngay sai phạm trên. Ngày 30-9-2011, UBND quận Hoàng Mai có văn bản số 1144 giao cho phường Thanh Trì tổ chức ứng trực thường xuyên để ngăn chặn việc đổ phế thải. Tuy nhiên, mặc cho các cơ quan chức năng lập biên bản, yêu cầu xử lý, Công ty KTĐĐX Hà Nội vẫn làm ngơ, cố tình vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB. Họ tranh thủ khi không có lực lượng chức năng kiểm tra, ồ ạt đổ đất, phế thải vào khu vực chân cầu. Hàng chục xe tải trọng lớn dồn dập đổ đất và phế thải để san lấp tạo ra một bãi dài dưới chân cầu.
Trước tình trạng vi phạm nghiêm trọng của Công ty KTĐĐX Hà Nội, ngày 11-4-2012 UBND quận Hoàng Mai có văn bản số 347 "Yêu cầu Công ty KTĐĐX Hà Nội phải chấm dứt ngay vi phạm và san trả lại mặt bằng cho thoát lũ khu vực gầm cầu Thanh Trì". Tiếp đó ngày 23-4-2012, UBND quận Hoàng Mai có văn bản 379 "Đề nghị UBND TP chỉ đạo các ngành: Công an, Thanh tra TP, Sở NN&PTNT, Sở Giao thông vận tải kiểm tra để xử lý theo quy định. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Công ty KTĐĐX Hà Nội chấm dứt ngay sai phạm trước ngày 30-5-2012". Rất tiếc là Công ty KTĐĐX không chấm dứt vi phạm mà vẫn tiếp tục đổ đất, phế thải và làm hàng rào lưới B40 xung quanh. Ngày 14-5-2012, UBND quận Hoàng Mai tiếp tục có văn bản 453 "Yêu cầu Công ty KTĐĐX phải nghiêm túc thực hiện việc dừng đổ đất, phế thải, san gạt lại mặt bằng theo đúng cốt quy hoạch phòng chống lũ và bốc xúc toàn bộ đất, phế thải đã đổ trái phép trước ngày 25-5-2012".
Do sai phạm có tính chất nghiêm trọng của Công ty KTĐĐX Hà Nội, ngày 8-6-2012, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã có công văn 4381 chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở Giao thông vận tải, UBND quận Hoàng Mai khẩn trương kiểm tra cụ thể, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm, kiên quyết đình chỉ việc đổ phế thải, vật liệu và yêu cầu Công ty KTĐĐX Hà Nội chuyển toàn bộ phế thải đã đổ, trả lại mặt bằng để bảo đảm việc thoát lũ.
Có thể thấy sai phạm của Công ty KTĐĐX Hà Nội là quá rõ ràng, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB. Hiện tại, Công ty KTĐĐX Hà Nội đã đổ phế thải và san gạt phẳng, đầm chặt cả đoạn dài từ trụ 31 đến trụ 44 dài 90m, rộng 37m, tạo bãi chắn cao hơn mặt đê bối từ 1,5m đến 2m như một tuyến đập chắn ngang đường thoát lũ sông Hồng. Hành vi trên đã vi phạm khoản 7, khoản 10, Điều 7; Điều 26 Luật Đê điều và Điều 14 Pháp lệnh PCLB, gây ảnh hưởng nghiêm trọng khả năng thoát lũ sông Hồng.
Mùa mưa bão đã bắt đầu, dư luận rất lo ngại trước sai phạm của Công ty KTĐĐX Hà Nội tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở bờ sông, đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng và tài sản nhân dân. Đề nghị UBND TP, các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực đê điều và PCLB.