Chỉ tuyên truyền là chưa đủ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 11/07/2012

(HNM) - Năm 2012 vừa đúng 20 năm Việt Nam triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và sau 3 năm Luật Bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực.

Năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã có Chỉ thị số 38 về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới", trong đó nhấn mạnh: Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Cùng với ngân sách nhà nước dành cho y tế, BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công đáng kể cho việc khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Như số liệu công bố của Bộ Y tế, tính đến hết năm 2011, cả nước đã có 55,9 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 63,7%. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn khoảng 74% đối tượng thuộc hộ cận nghèo; gần 49% người lao động trong các DN và khoảng 74% nông dân, lao động tự do và một số đối tượng khác chưa tham gia BHYT. Chính vì vậy, năm 2012, Bộ Y tế đã lấy chủ đề hành động là "Tăng cường trách nhiệm, thực hiện nghiêm pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân". Để mục tiêu trên thành hiện thực, thời gian qua, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về BHYT, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền và các bộ, ngành chức năng trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách BHYT...

Những việc làm trên là cần thiết, tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải làm cho người dân thấy rõ tầm quan trọng và những lợi ích thiết thực của việc tham gia BHYT, cũng như tính nhân văn và trách nhiệm chia sẻ cùng cộng đồng của mỗi cá nhân. Tới thời điểm này, nếu điểm qua những hạn chế, những vấn đề cần khắc phục trong thực hiện BHYT từng được Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ từ 3 năm về trước vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Cụ thể là việc khám, chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập, chưa thể hiện được tính ưu việt; thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế và thủ tục hành chính còn gây không ít bức xúc cho người bệnh; nhiều vướng mắc tại các địa phương trong việc cấp đổi thẻ BHYT, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT chưa được giải quyết kịp thời; vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tham gia BHYT; năng lực tổ chức, quản lý của cán bộ bảo hiểm y tế còn yếu; sự phối hợp liên ngành y tế, bảo hiểm xã hội, tài chính trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT chưa tốt; hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế chưa cao... Cùng với đó là tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT với việc chỉ định quá mức cần thiết đối với các dịch vụ y tế; thậm chí có sự thông đồng giữa những người làm công tác khám, chữa bệnh và công tác bảo hiểm để bòn rút tiền BHYT; cơ chế quản lý giá thuốc chưa hiệu quả, gây tốn kém cho Quỹ BHYT và người bệnh... Tất cả những điều đó đã khiến người dân chưa mặn mà với chính sách BHYT. Nhiều người cầm trên tay tấm thẻ BHYT luôn xác định đối diện với những khó khăn, trở ngại khi đi khám, chữa bệnh. Có người còn phải giấu thẻ BHYT, chấp nhận các hình thức khám, chữa bệnh tự nguyện hoặc dịch vụ giá cao để mong được đối xử chu đáo, tận tình...

Điều đó cho thấy, nếu chỉ tập trung vào công tác truyền thông mà những vấn đề trên không được giải quyết thì không khác gì chúng ta chỉ chú ý tới phần ngọn mà "quên" mất phần gốc, chỉ chú ý tới bề nổi mà chưa quan tâm tới chiều sâu trong thực hiện chính sách BHYT. Như vậy tiến độ hoàn thành mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân phụ thuộc rất nhiều vào các ngành y tế và bảo hiểm xã hội. Khi người dân còn e dè, đắn đo trong việc tự nguyện tham gia BHYT thì lỗi không thuộc phía người dân.

Hoàng Thu Vân