“Lệ làng” dựa vào “phép nước”

Xã hội - Ngày đăng : 05:25, 11/07/2012

(HNM) - Tồn tại song song với luật pháp, hương ước là công cụ và phương thức quản lý trong xã hội truyền thống của người Việt. Ngày nay, tuy nếp làng đã nhiều biến động, hương ước vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của làng xã.


Bộc lộ nhiều điểm không phù hợp

Khi phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được phát động, hương ước từng một thời bị quên lãng có cơ hội hồi sinh. Hầu hết làng, xã xây dựng nếp sống mới đều lấy ý kiến nhân dân để viết nên hương ước, quy ước làng văn hóa, để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong phạm vi làng, xã và phát đến từng hộ gia đình. Tuy nhiên, do quy ước, hương ước không được sửa đổi, bổ sung thường xuyên nên có những nội dung không còn phù hợp với xã hội hiện đại.


Hương ước đã góp phần thực hiện nhanh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã Yên Sở (Hoài Đức). Ảnh: Bá Hoạt

Nhiều năm nghiên cứu về hương ước, PGS.TS Bùi Xuân Đính, Viện KHXH Việt Nam cho biết: Hương ước thời xưa do những người có trình độ, cao tuổi, thấu hiểu nếp sống, sinh hoạt ở làng như quan lại nghỉ hưu, ông đồ, thầy thuốc, các vị bô lão… đứng ra soạn thảo. Họ phải nghiên cứu rất kỹ và chịu trách nhiệm về các văn bản này. Hương ước xưa thường thể hiện nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mọi người dân trong làng nên dễ nhận được sự đồng thuận của người dân. Còn ngày nay, không ít hương ước cứng nhắc, thiếu linh hoạt nên hiệu quả quản lý không như mong muốn. Có nơi hương ước quy định nam giới 22 tuổi, phụ nữ 20 tuổi mới được kết hôn là trái với Luật Hôn nhân gia đình. Cá biệt, hương ước mới của thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) còn quy định đám cưới chỉ được tổ chức vào ngày mùng 2 và 16 âm lịch hằng tháng. Do cứng nhắc và thiếu chặt chẽ nên nhiều gia đình người dân ở Yên Lạc phản ánh, họ buộc phải thực hiện theo hương ước chứ không xuất phát từ tinh thần tự nguyện.

Công cụ quản lý xã hội hữu hiệu

Trên thực tế, quy ước, hương ước phù hợp vẫn là công cụ quản lý xã hội hữu hiệu ở nhiều làng quê Việt Nam. Đơn cử như hương ước của xã Yên Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội) có "sức sống" suốt gần 20 năm qua. Ông Nguyễn Trí Trung, một trong những người tham gia soạn thảo hương ước làng Yên Sở cho hay: Nội dung của hương ước về cơ bản vẫn kế thừa những giá trị tốt đẹp của lệ làng xưa như: Giữ gìn đạo hiếu gia đình, đóng góp xây dựng làng xóm, quê hương, tôn trọng người đỗ đạt cao… Bên cạnh đó, hương ước mới cũng xóa bỏ những hủ tục như: Phụ nữ không được vào đình, thách cưới trong đám cưới, bỏ tục lăn đường, chống gậy, lễ chín trong việc tang... Ông Nguyễn Trí Trung cho biết thêm, hương ước đã góp phần giúp xã nhanh chóng thực hiện được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới với 14/19 tiêu chí đã đạt sau hai năm triển khai.

Một ví dụ khác là hương ước của khu phố Trang Liệt (trước đây là làng Trang Liệt), thuộc phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Hương ước mới của làng được xây dựng từ đầu những năm 90 (gồm 6 chương, 63 điều) đến nay vẫn không lỗi thời bởi nó được soạn thảo trên cơ sở tập trung trí tuệ và đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Ngoài nội dung khuyến khích xây dựng đời sống văn hóa, hương ước làng Trang Liệt có những điều khoản cụ thể về an ninh, trật tự như "nếu ai là người làng phạm vào trộm cắp, ăn cướp… sẽ bị làng xuất ngôi trừ ngoại, sẽ bị đuổi khỏi làng". Hương ước cũng luôn nhắc nhở con cháu, những người làm ăn xa quê phải hướng về quê hương, nguồn cội. "Bản hiến pháp thu nhỏ của làng Trang Liệt giúp địa phương này là điểm sáng trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa vùng Kinh Bắc trong suốt hơn 20 năm qua" - ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở VH,TT&DL Bắc Ninh khẳng định.

Kịp thời bổ sung những vấn đề bức xúc của làng, xã vào hương ước cũng sẽ giúp hương ước có sức sống lâu bền. GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam dẫn chứng: Năm 1999, nạn chuột hoành hành dữ dội ở xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động (Bắc Giang) khiến cuộc sống của người nông dân lao đao, khốn đốn. Trước tình hình này, xã Tuấn Đạo yêu cầu tất cả gia đình nuôi mèo và đưa nội dung nuôi mèo vào hương ước, gia đình nào không nuôi sẽ bị phạt. Không chỉ giải quyết được nạn chuột ngày ấy, đến nay việc nuôi mèo vẫn được duy trì ở Tuấn Đạo và chuột hầu như không còn.

Rõ là, để hương ước đi vào đời sống, điều chỉnh được các mối quan hệ xã hội ở các làng quê thì nó phải được xây dựng phù hợp với "phép nước" và "lệ làng".

Minh Ngọc