Đôi điều nghĩ nhanh, nói nhanh
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 10/07/2012
Tại Hà Nội, ô tô tải hạng nặng được hạn chế đi lại trong những ngày thi, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường trọng điểm. Lực lượng quản lý thị trường bảo đảm bình ổn giá cả lương thực, thực phẩm, nhà trọ. Hơn 15.000 thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi của Hà Nội và các tỉnh lân cận có mặt ở bất cứ đâu thí sinh cần, đến mức "dư thừa" lực lượng hỗ trợ. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, đợt 2 này đã có gần 577.000 thí sinh trong số trên 765.000 hồ sơ đăng ký, đạt 75,3%, tương đương như đợt 1, nhìn chung kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn; đề thi vừa sức, bám sát sách giáo khoa, có câu hỏi phân hóa trình độ cao, khả năng phản ánh đúng thực chất tăng nhiều hơn mọi năm.
Bên cạnh đó còn có một số tin vui khác. Chẳng hạn như việc rút kinh nghiệm đợt thi trước để kịp thời điều chỉnh cho đợt này có phần nhanh, không rề rà như mọi năm. Việc ra đề, coi thi, chấm thi ở nhiều hội đồng nghiêm túc hơn... Cũng trong những ngày này, Nhà nước tổ chức gặp gỡ, khen thưởng cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi toàn quốc tại Hà Nội, cũng là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho thí sinh. Những sự việc trên chứng tỏ, dù phê bình gay gắt nhưng xã hội rất công bằng, biết chắt chiu những thành công dù nhỏ của ngành giáo dục vì những thành công đó chính là biểu hiện của văn hóa Việt Nam, của việc hình thành phẩm chất các thế hệ con người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Tuy thế, vẫn còn nỗi buồn, thậm chí nỗi buồn này có phần tăng lên so với mọi năm, đó là niềm tin của người dân vào những lời tuyên bố của những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục không còn được như trước. Sau vụ bê bối Đồi Ngô; sau khi công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay cao đến mức khó tin; sau những vụ mất đề thi, lộ đề thi, sai đề thi xảy ra ở khá nhiều hội đồng trong nhiều kỳ thi trước nhưng vẫn được tổng kết là nghiêm túc và an toàn thì sự mất lòng tin vào những lời tuyên bố tương tự cho kỳ thi năm nay là có cơ sở. Người dân không ngại số thí sinh và người coi thi bị kỷ luật nhiều, trong hơn triệu con người, dù có vài trăm người bị kỷ luật cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Điều chờ đợi là mọi kết quả được công bố phải trung thực, đúng như nó xảy ra không bị chế biến, làm sai lệch. Từ hiện tượng này có thể thấy điều cần làm ngay không phải là những tuyên bố tỷ lệ đỗ cao, đề hay, tổ chức thi nghiêm túc mà là lấy lại lòng tin của người dân nhiều năm nay đã sa sút về các kỳ thi.
Về quy định được mang dụng cụ ghi âm, ghi hình nhưng không phát được tại chỗ gây xôn xao trong dư luận có thể hiểu rằng Bộ GD-ĐT đã nhanh chóng tiếp thu ý kiến phản biện, kiên quyết và rất tự tin trong việc chống tiêu cực. Tuy thế, sự nhanh nhảu này lại nảy sinh hệ lụy là hình như sự thừa nhận này khiến thí sinh có thể có những hoạt động khác (phục vụ chống tiêu cực) ngoài việc làm bài thi, có thể không tôn trọng quy chế "trật tự, không cản trở người khác làm bài thi" do chính Bộ quy định. Với quy định này, có thể nảy sinh nhiều chuyện không lường trước được.
Đôi điều nghĩ nhanh, nói nhanh, may ra ít nhiều có ích.