Gần 1.000 cán bộ chủ chốt học tập, quán triệt Nghị quyết và các kết luận Hội nghị TƯ 5 (khóa XI)

Chính trị - Ngày đăng : 13:04, 09/07/2012

(HNMO) - Sáng 9-7, tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt TP học tập, quán triệt Nghị quyết và các kết luận Hội nghị lần thứ năm BCH TƯ Đảng (khóa XI).

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị Phát biểu khai mạc hội nghị.


Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, việc nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết và các kết luận Hội nghị lần thứ năm BCH TƯ Đảng (khóa XI) có ý nghĩa sâu sắc, bởi đây là những nội dung, vấn đề hệ trọng gắn liền với tiến trình xây dựng đất nước. Diễn ra trong 9 ngày (từ ngày 7 đến 15-5-2012), Hội nghị lần thứ năm BCH TƯ Đảng (khóa XI) đã thảo luận cho ý kiến về Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết TƯ 7 (khóa IX) về việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 (khóa X) về công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí. Hội nghị lần thứ năm, BCH TƯ cũng thảo luận, cho ý kiến về việc thực hiện một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với những định hướng cải cách đến năm 2020. Với tầm quan trọng đó, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu các đại biểu cần nghiên cứu, học tập nghiêm túc các nội dung của Hội nghị lần thứ năm BCH TƯ Đảng (khóa XI). Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức cơ sở Đảng thống nhất cao về nhận thức và hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và các kết luận Hội nghị TƯ 5 (khóa XI).

Trong buổi sáng, hội nghị đã nghe PGS, TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận TƯ giới thiệu nội dung các kết luận: Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết TƯ 7 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Theo đó, việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, công phu. Hiến pháp năm 1992 là hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới, là đạo luật cơ bản của Nhà nước, văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta, chế độ ta trong thời kỳ mới. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở hiến định cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là bước phát triển nhận thức, đổi mới tư duy của Đảng, Nhà nước ta, đóng góp hết sức quan trọng, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới ở nước ta. Qua 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 có nhiều vấn đề mới được đặt ra, có những quy định của Hiến pháp không còn phù hợp; đòi hỏi phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tập trung vào 9 vấn đề. Thể chế hóa, cụ thể và sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Bảo đảm hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.


Thay mặt BTV Thành ủy triển khai kế hoạch học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH TƯ Đảng (khóa XI), Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, Hà Nội sẽ nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, vận dụng sáng tạo và thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, các nghị quyết, chương trình của Thành ủy vào quá trình công tác, lao động, học tập, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Việc thực hiện nội dung của Nghị quyết và các kết luận Hội nghị TƯ 5 được gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Sau lớp quán triệt này, TP sẽ tổ chức cho lớp cán bộ chủ chốt cấp quận, huyện, thị xã và đảng bộ trực thuộc nghiên cứu, học tập Nghị quyết và các kết luận Hội nghị TƯ 5 (xong trước ngày 10-8); lớp đảng viên ở cơ sở (xong trước ngày 15-9) và các lớp dành cho báo cáo viên, đội ngũ phóng viên, văn nghệ sỹ và trí thức Thủ đô (do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức).

Chiều nay, Hội nghị tiếp tục làm việc.

Chủ động, sáng tạo thực hiện Nghị quyết và các kết luận của Hội nghị TƯ 5 (khóa XI)

Để Nghị quyết và các kết luận của Hội nghị TƯ 5 (khóa XI) đi vào cuộc sống, đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, chỉ đạo thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung của Nghị quyết và các kết luận Hội nghị TƯ 5 cần được tiến hành nghiêm túc. Các cấp ủy Đảng phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ quá trình triển khai nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết và các kết luận trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong nhân dân; đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức học tập Nghị quyết, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, coi trọng việc thảo luận, đối thoại và liên hệ với thực tiễn. Chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện: đội ngũ báo cáo viên, nội dung, công tác tổ chức phục vụ để việc học tập, quán triệt Nghị quyết và các kết luận thu được kết quả.

Hai là, khi triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết và các kết luận TƯ 5 (khóa XI) cần lưu ý:

- Về tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là một nội dung lớn, đặc biệt quan trọng của Hội nghị TƯ 5 (khoá XI). Hiến pháp năm 1992 có vai trò lịch sử to lớn đối với công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, cần thiết. Quy trình sửa đổi Hiến pháp thực hiện theo tinh thần Nghị quyết TƯ 2 (khóa XI) và Điều 147 của Hiến pháp hiện hành; tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân về các nội dung sửa đổi, để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét quyết định.

- Về chế độ chính trị: khẳng định chế độ dân chủ ở nước ta là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

- Về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí:
BCH TƯ đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban; lập lại Ban Nội chính TƯ, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng. Quyết định này một lần nữa thể hiện quyết tâm của TƯ trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với mong muốn đạt kết quả cao hơn, tốt hơn. Trong đó, vai trò của các đồng chí lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp là rất quan trọng, các đồng chí phải là những người gương mẫu đi đầu trong cuộc đấu tranh này; đồng thời phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt trong địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội những năm qua tuy có đạt được kết quả bước đầu nhưng nhìn chung chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cuộc sống những người hưởng lương. Việc không ngừng mở rộng đối tượng và số lượng các loại phụ cấp đã ảnh hưởng không tốt đến tương quan chung. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tuy có tăng nhưng còn thấp xa so với số người trong độ tuổi lao động. Trước tình hình đó, TƯ yêu cầu trong năm 2012- 2013, phải khẩn trương bổ sung, sửa đổi một số chính sách cần thiết và có thể điều chỉnh ngay nhằm sớm khắc phục những bất hợp lý hiện nay. Tiến hành đồng bộ cải cách tiền lương với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, tái cấu trúc nền tài chính công và các lĩnh vực có liên quan khác; gắn điều chỉnh tiền lương với điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.

- Về chính sách, pháp luật đất đai: Phải tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn sống của nhân dân; đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế rộng lớn, phức tạp mà còn là vấn đề chính trị xã hội rất hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến việc giữ vững thành quả cách mạng của cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Ba là, Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở cần quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ. Bác Hồ đã dạy: Cán bộ là cái gốc của cách mạng. Do đó, phải có cơ chế lựa chọn thật khách quan, khoa học để chọn được đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, cần có chính sách cán bộ hợp lý để cán bộ yên tâm công tác, tận tụy cống hiến, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Trong thời gian tới, đồng thời với quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết và các kết luận Hội nghị TƯ 5 (khóa XI), các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở cần tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị; thực hiện chế độ cung cấp thông tin để cán bộ nhận thức đúng tình hình, giữ vững lập trường chính trị, trung thành với lý tưởng của Đảng và dân tộc.

Bốn là, tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ TP lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu thực hiện Nghị quyết và các kết luận. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực nhân dân có nhiều khiếu kiện. Giải quyết kịp thời những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, không để hình thành điểm nóng. Các quận, huyện, thị ủy, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Thành ủy căn cứ sự chỉ đạo của Thành ủy, bám sát tình hình, nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình để triển khai thực hiện. Gắn kết việc triển khai học tập, quán triệt nghị quyết và các kết luận của TƯ với việc tích cực triển khai các nhiệm vụ kinh tế, xã hội; xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, trong sạch; với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn khác.

Trong quá trình học tập, quán triệt, nhất là trong việc tổ chức thực hiện phải chú trọng gắn với việc tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020, gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả 9 Chương trình công tác của BCH Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XV).

Lê Hoàn, ảnh Bá Hoạt