Văn hóa giao thông: Cần có ở mọi nơi, mọi lúc

Đời sống - Ngày đăng : 07:33, 09/07/2012

(HNM) - Trên quốc lộ (QL) 3 đoạn đi qua xã Dục Tú, huyện Đông Anh trong giờ tan tầm, dòng người xe đi lại tấp nập. Một chiếc ô tô đang chạy trong dòng xe chầm chậm bỗng mở cửa kính, vỏ chai nước từ trong bay vèo ra ngoài, rơi về phía cậu bé đang được mẹ đèo trên xe máy. Cậu bé lắc người tránh vỏ chai, mẹ loạng choạng. Xe đổ khiến hai mẹ con bị thương nhẹ. Cả tuyến đường tắc nghẹt chỉ sau 10 phút...

Các em thiếu nhi được học văn hóa giao thông tại chương trình giáo dục ATGT ở trường. Ảnh: Nguyên An


Sự việc như trên không ít người đã nhiều lần chứng kiến. Đó là chưa kể tình trạng ô tô chuyển làn gấp, xe máy đi ngược đường, lạng lách; đi bộ trên đường cấm không đi qua cầu vượt... những việc làm tưởng nhỏ nhưng đã để lại hậu quả khôn lường. Ách tắc giao thông, tai nạn, xô xát do thiếu kiềm chế, nhưng nguy hiểm hơn là trẻ con nhìn vào hành động của người lớn, người nọ nhìn người kia và làm theo một cách vô thức. Đại diện ngành chức năng cho biết, tại những điểm cảnh sát giao thông ít xuất hiện, tình trạng thiếu ý thức của người dân diễn ra khá phổ biến. Đi xe không đội mũ bảo hiểm, không tuân theo đèn tín hiệu, xe chở quá số người quy định… Sau những chiến dịch ra quân, những buổi tối cuối tuần chống đua xe lạng lách, lực lượng chức năng rất ngại nghe điện thoại, vì tỷ lệ lớn là những trường hợp nhờ vả, xin cho người nhà là những cậu bé, cô bé thanh thiếu niên vi phạm. Chế tài xử phạt vài trăm nghìn đồng tới vài triệu đồng là số tiền không nhỏ với số đông người dân, song không đáng ngại với một số ít những người coi thường luật lệ giao thông và những trường hợp xin cho như vậy vô tình người lớn đã tiếp sức cho con cái để có những lần vi phạm sau.

Khi nói đến văn hóa giao thông, người ta thường nhắc nhiều đến chuyện người dân thiếu ý thức, không chấp hành nghiêm luật giao thông. Tuy nhiên, số người có những hành động bàng quan như vậy chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số những người tham gia giao thông, dù hành vi của họ gây hậu quả lớn. Vậy, để giải quyết vấn đề này, ngoài việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; giám sát điều khiển giao thông chặt chẽ thông qua lực lượng chức năng và các phương tiện kỹ thuật như camera, dụng cụ bắn tốc độ, đo nồng độ cồn… thì việc tuyên truyền văn hóa giao thông cần được đẩy mạnh. Ông Nguyễn Đức Kha, Chánh Văn phòng Ban ATGT Hà Nội cho biết, có 200 người theo dõi thuyết trình về văn hóa giao thông ngày 27-6 khi tổ chức buổi tuyên truyền tại hiện trường ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Tại đây, ngoài phần hướng dẫn, phổ biến, các điều phối viên, người dân đã nghe và trực tiếp đóng góp, đưa ra những ví dụ thực tế tại địa bàn. Đặc biệt, trẻ em tham gia rất hào hứng. Trong phần kể về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, một cháu bé học lớp 2  cho biết: "Sáng nay trên đường đưa con đến nhà bà nội, bố định vượt đèn đỏ do vội đi làm, con níu áo bố nói, con không muốn bố vi phạm luật đâu nhé và bố đã dừng lại..." Như vậy, một em bé học tiểu học có thể ghi nhận được những thông điệp giao thông, thì người lớn chúng ta không có lý gì lại không nghe, không thực hiện. Anh Lê Quang Hồng, điều phối viên thuộc Ban ATGT Hà Nội, người trực tiếp tổ chức thực hiện buổi tuyên truyền tại thị trấn Trâu Quỳ kể lại, rất nhiều người lớn trong chúng ta cần phải học lại bài học trong khuôn khổ cho phép, như vậy sẽ thấy tâm lý thoải mái, không cần phải nhìn trước ngó sau để vượt ra ngoài khuôn khổ, khi người lớn còn vi phạm rất khó để dạy trẻ con tham gia giao thông một cách có văn hóa...

Đức Anh