Khó quy hoạch, thiếu kinh phí đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 09/07/2012
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện tổng đàn lợn của toàn TP là 1,3 triệu con; gia cầm 17,8 triệu con; đàn bò là 145.847 con; trâu 16.416 con. Mặc dù Hà Nội có số lượng vật nuôi lớn nhưng chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước thực trạng đó, để kiểm soát dịch bệnh, tránh gây ô nhiễm môi trường, năm 2009 TP đã có Quyết định 93 về cơ chế chính sách khuyến khích cơ sở hạ tầng; vay vốn, xây dựng thương hiệu, tiền thuê đất… cho các hộ mở rộng quy mô trang trại, chăn nuôi xa khu dân cư. Nhưng đến nay, sau gần 3 năm có quyết định, việc triển khai vẫn giậm chân tại chỗ.
Xây dựng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, nhằm giảm chăn nuôi tự phát, tránh gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Trung Kiên |
Phó phòng Chăn nuôi Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Minh cho biết, theo quy định để được hỗ trợ khu chăn nuôi tối thiểu phải đạt từ 10ha trở lên, nhưng do chăn nuôi của Hà Nội nhỏ lẻ nên hầu như những diện tích được hỗ trợ không đạt yêu cầu. Để DĐĐT được 10ha trở lên không phải đơn giản, bởi nông dân ở các địa phương đã mất nhiều đất cho các dự án khác nên không muốn dồn đổi và có tâm lý giữ ruộng, gây khó khăn cho cơ sở trong quy hoạch khu chăn nuôi. Những nơi có khả năng DĐĐT được nhưng khi lập dự toán đầu tư kinh phí lại quá lớn, chưa sát với thực tế. Dự án khu chăn nuôi ở xã Tân Ước (Thanh Oai) diện tích 15ha nhưng kinh phí lên tới hơn 120 tỷ đồng; dự án chăn nuôi ở xã Vạn Thái - Tảo Dương Văn (Ứng Hòa) kinh phí hơn 111 tỷ đồng. Trong khi ngân sách của TP hạn chế, các dự án chậm được đầu tư gây khó khăn cho việc triển khai.
Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám cho biết, hiện trên địa bàn huyện có nhiều khu chăn nuôi tập trung nhưng chủ yếu vẫn là tự phát, huyện, xã quy hoạch một khu cho những hộ có nhu cầu vào đó thuê để chăn nuôi. Nhưng hạ tầng các khu chuyển đổi vẫn là đường đất, hệ thống điện tự dân kéo ra nên quá tải không phục vụ được sản xuất; khâu xử lý môi trường kém, gây ô nhiễm môi trường. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, huyện đã quy hoạch khu chăn nuôi có diện tích 15ha ở xã Hồng Phong và trình TP phê duyệt, hỗ trợ đường giao thông vào khu chuyển đổi, cùng hệ thống điện phục vụ sản xuất. Nhưng đến nay, dự án vẫn không thể thực hiện được vì theo Quyết định 93 của TP, các huyện, thị xã tự cân đối ngân sách để hỗ trợ đầu tư, nếu các huyện, thị xã không cân đối được ngân sách thì ngân sách TP sẽ cấp bù trên cơ sở quyết toán hằng năm. Điều này rất khó vì nguồn kinh phí đầu tư cho nông nghiệp của huyện rất hạn chế, nên dự án vẫn chỉ dừng ở bước quy hoạch.
Để được hỗ trợ ngân sách của TP xây dựng cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi tập trung, Phó phòng Chăn nuôi Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Minh cho rằng, trước khi lập quy hoạch, các huyện phải xác định rõ thực tế của các hộ có nhu cầu thật sự hay không? Bởi đầu tư một trang trại chăn nuôi cần rất nhiều vốn, quy mô nuôi từ 20 con lợn trở lên cũng phải đầu tư 200 triệu đồng, nên ít hộ có tiềm lực. Đồng thời, phải tính đến phương án khả thi, nếu không, đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng song lại bỏ đấy dẫn đến dự án "treo" gây thất thoát ngân sách. Ngoài ra, các huyện khi lập dự toán, cần xác định lại cho sát thực tế, bởi Nhà nước chỉ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, còn kinh phí đầu tư sản xuất là do các hộ tự bỏ ra, nếu không dự án sẽ không khả thi.
Theo đề nghị của các huyện, TP cần linh hoạt trong cơ chế hỗ trợ các dự án chăn nuôi xa khu dân cư, TP hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy mô dự án và nên cấp thẳng kinh phí theo cơ chế hỗ trợ. Nếu để các huyện tự cân đối ngân sách sẽ rất khó triển khai. Để khuyến khích các hộ chăn nuôi, Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách bảo hiểm, giảm mức độ thiệt hại xuống thấp nhất khi có dịch bệnh, thiên tai xảy ra… Xây dựng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư là xu hướng tất yếu của nền chăn nuôi hiện đại, để tạo ra những sản phẩm an toàn, tránh gây ô nhiễm môi trường. Nhưng từ chính sách tới thực tiễn rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành của TP để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, đồng thời cần có cơ chế hợp lý và sự nỗ lực của cấp cơ sở cùng sự ủng hộ của người dân.