Tăng giá điện: Mức độ tác động không lớn?

Đời sống - Ngày đăng : 07:24, 09/07/2012

(HNM) - Ngày 29-6-2012, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 17 quy định về giá bán điện. Theo đó, kể từ ngày 1-7-2012, giá điện bình quân tăng từ 1.304 đồng/kWh lên 1.369 đồng/kWh (tăng 65 đồng/kWh, khoảng 5%). Thông tin này không quá bất ngờ song cũng đã gây nên những phản ứng khác nhau trong dư luận…


Giải thích cho việc tăng giá bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra thông cáo cho biết, là do giá các loại than cho sản xuất điện và các chi phí đầu vào khác đều tăng. Với việc tăng giá lần này, doanh thu bán điện của EVN năm 2012 dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng. Nguồn tiền này sẽ được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước. Quan trọng nhất, EVN cho rằng, việc điều chỉnh giá bán điện từ ngày 1-7 sẽ có mức độ tác động không lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân (!). Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc giá điện tăng 5% sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,369% (với điều kiện là giá cả các mặt hàng khác ổn định) và chỉ gây ra "tác động rất nhỏ", giá thành sản phẩm sẽ chỉ tăng 0,5%... Liệu có phải như vậy?

Tính cả đợt điều chỉnh lần này, từ năm 2009 đến nay, điện đã 5 lần tăng giá. Cụ thể, năm 2009 giá điện tăng 8,92%, giá điện sinh hoạt tăng theo mức giá từ 600 đến 1.790 đồng/kWh (tùy bậc thang). Đến năm 2010 giá điện tăng 6,8%, điện sinh hoạt tăng lên trong khoảng 600-1.890 đồng/kWh. Năm 2011, từ ngày 1-3 giá điện tăng 15,3%, giá điện sinh hoạt tăng lên từ 993 đến 1.974 đồng/kWh. Ngày 20-12-2011, giá điện tăng lần hai trong năm với mức 5%, giá bán điện sinh hoạt tăng từ 993 đến 2.060 đồng/kWh. Đến ngày 1-7-2012, tức sau hơn bảy tháng, giá điện tăng thêm 5%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh xăng, dầu và gas thì điện cũng được xem là một trong những yếu tố đầu vào quyết định đến giá thành sản phẩm, đặc biệt đối với các lĩnh vực sử dụng lượng điện lớn như dệt may, hóa chất, luyện kim, xi măng… Vậy nên, dù ít dù nhiều thì tác động của quyết định điều chỉnh giá điện chắc chắn không thể coi là "tác động rất nhỏ" được, chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ tăng. Theo tính toán của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tăng giá điện dù ít hay nhiều sẽ tác động tới sản xuất và đời sống. Theo đó, giá điện bán cho sản xuất tăng bình quân khoảng 5% sẽ làm tăng giá thành của một số ngành dùng nhiều điện, như giá thành xi măng tăng thêm khoảng 0,39-0,56%. Giá thành cán thép tăng khoảng 0,06%, giá thành nước sạch tăng khoảng 2-2,3%... Chỉ đưa ra một vài con số, có thể thấy, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến một số ngành sản xuất và đời sống xã hội.

Việc tăng giá điện theo thị trường cạnh tranh là lộ trình cần phải làm. Tuy nhiên, việc này, như chính Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua: Việc điều chỉnh giá nói chung và giá điện nói riêng phải bảo đảm mấy yêu cầu, mà yêu cầu đầu tiên là phải làm một cách công khai, minh bạch về giá thành, lỗ lãi, lý do vì sao tăng, vì sao giảm. Với những tiêu chí này, thì rõ ràng ngành điện đã không làm được, không nói rõ được những căn cứ để tăng giá của mình.

Hiện nay, việc phân phối điện vẫn độc quyền, chưa có cơ chế cạnh tranh nên việc quản lý của Nhà nước là hết sức cần thiết. Hiện tại, Nhà nước ta đang cố gắng sử dụng mọi biện pháp với mong muốn kích cầu tiêu dùng lên, trong khi đó, việc tăng giá của điện lại làm ngược lại với mong muốn kích cầu đó khiến người tiêu dùng dè dặt hơn khi mua sắm, không chỉ đối với các sản phẩm thiết yếu có liên quan trực tiếp tới điện. TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, lý do tăng giá điện của EVN cho thấy hiệu quả hoạt động của ngành điện rất thấp và việc cho tăng giá hồi tháng 12-2011 vẫn chưa giúp trang trải được những chi phí từ việc quản lý yếu kém của ngành điện, dẫn đến tiếp tục phải tăng giá, lấy tiền của doanh nghiệp ngoài ngành và người tiêu dùng để bù lỗ cho mình. Lý do này không chính đáng chút nào, là vô nguyên tắc và sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong việc định giá và điều hành giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu không chỉ trong ngành điện. Càng không thể nói tác động của việc tăng giá điện lần này là "không đáng kể" vì sau các biện pháp quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp để hạ chỉ số giá tiêu dùng (CPI), người dân vừa được hưởng lợi thì lại đối mặt với khả năng một số mặt hàng thiết yếu có thể sẽ tăng trở lại. Vài chục nghìn đồng tăng thêm của giá điện sẽ kéo theo hàng trăm nghìn đồng tăng theo của các mặt hàng khác mà chỉ người tiêu dùng phải gánh chịu.

Còn đối với người tiêu dùng, nguy cơ đứng trước nhiều mặt hàng tăng giá theo giá điện đã hiển hiện. Điển hình là "đón đầu" việc này, khung giá nước sạch sinh hoạt được áp dụng từ ngày 11-7 cũng sẽ tăng 50% "để đáp ứng chi phí đầu tư do giá đầu vào tăng" (trong đó có giá điện) - như lý giải của Tổng Công ty Nước sạch Hà Nội. Với thực trạng khách hàng của ngành điện không có quyền lựa chọn nguồn cung điện như hiện nay thì việc "đẩy" giá điện theo giá thị trường mà không gây xáo trộn đời sống và sinh hoạt là rất khó, việc "đòi" bình đẳng giữa nhà cung cấp (bên bán) và khách hàng (bên mua điện) lại càng là chuyện không tưởng. Người tiêu dùng phải mặc nhiên chấp nhận tình trạng nhà điện "cho" bao nhiêu được dùng bấy nhiêu, tùy tiện cắt, ngừng cung cấp, chậm trễ trong sửa chữa khi mất điện, còn khách hàng thì dù có thắc mắc vẫn cứ phải răm rắp trả tiền theo đúng hóa đơn. Đến giờ còn có nơi như quận Hà Đông, người tiêu dùng vẫn phải rồng rắn xếp hàng chờ nộp tiền tại chi nhánh điện mà luôn nơm nớp lo bị phạt và cắt điện nếu quá thời hạn ngành điện quy định (?). Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng VN còn tỏ ra bức xúc hơn khi cho rằng, việc ngành điện chuyển "gánh nặng" hoạt động kém hiệu quả của mình sang cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả xã hội phải gánh chịu là điều không thể chấp nhận được.

Phải nói rằng, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp và người dân là có thị trường điện cạnh tranh thực sự. Trong điều kiện chưa có được thì cần có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, đặc biệt là ở lĩnh vực giá để việc mua bán điện sẽ bình đẳng hơn cho cả hai bên, trong đó không thể xem nhẹ quyền lợi của bên mua - người tiêu dùng.

Đỗ Tâm