Nữ doanh nhân thành đạt trên đất Hungary
Xã hội - Ngày đăng : 07:17, 09/07/2012
Chị Phan Bích Thiện.
Vốn là con gái Hà thành, sinh ra bên bờ hồ Tây lộng gió, năm 1986, cô gái Phan Bích Thiện sang Nga học đại học rồi quen chàng du học sinh người Hungary được cử sang xứ sở Bạch dương học. Cùng chung nỗi niềm xa xứ nên hai người bạn tuy không cùng quốc tịch nhưng sớm có sự đồng cảm, chia sẻ cùng nhau. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh chị chính thức kết hôn và tiếp tục sinh sống ở Nga. Chồng chị Thiện lúc này trở thành người đại diện cho một tập đoàn điện tử có tiếng của Hungary tại Nga. Còn chị Thiện lựa chọn học tiếp lên tiến sĩ kinh tế. Trong một lần "về quê" chồng chơi, chị Thiện lần đầu tiên nhìn thấy nước mắm được bày bán tại đây trong khi ở Nga chưa có. Thế là chị quyết định mang khoảng ba chục thùng nước mắm về Nga bán. Rất nhanh, số hàng chị Thiện mang về đã được bán hết. Số tiền lãi từ "phi vụ" kinh doanh đầu đời này khiến chị đến bây giờ vẫn còn "rất kinh ngạc". Từ thành công đầu tiên, chị Thiện thành lập công ty xuất nhập khẩu hàng thực phẩm, buôn bán chủ yếu các đồ thực phẩm Châu Á với số lượng lớn. Đến năm 1998, do cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga, gia đình chị cũng bị ảnh hưởng. Cuộc sống không hề dễ dàng cộng thêm với thời tiết khắc nghiệt, chị Thiện cũng đã ở tuổi 30 nên cần phải ổn định lại cuộc sống. Chính vì vậy, hai vợ chồng quyết định trở về Hungary, quê hương của chồng. "Thuyền theo lái, gái theo chồng", chị Thiện tâm sự: "Thực ra so với người Việt ở Hungary, tôi thuộc diện "lính mới". Thời gian đầu hoàn toàn không dễ dàng vì tôi chưa biết tiếng Hung nên không giao thiệp nhiều được. Bạn bè Việt Nam cũng không có. Nhiều lúc tôi khóc thầm vì cảm thấy bất lực. Tôi quyết định học tiếng Hung. Vừa học vừa có thêm bạn bè và tôi dần hòa nhập được với xã hội Hungary.
Một bước ngoặt nữa đến với sự nghiệp kinh doanh của chị Thiện là năm 2002, khi hai vợ chồng quyết định mua tòa lâu đài Fried, vốn là của Fried Imre, chủ nhân nhà máy giày da lớn nhất nước Hungary đầu thế kỷ trước xây dựng. Hai vợ chồng đã nghiên cứu và khôi phục lại tòa lâu đài như hình dáng ban đầu của nó. Về phần nội thất bên trong thì lựa chọn trang trí theo phong cách phương Đông. Để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với lịch sử, vợ chồng chị mua thêm đồi nho xung quanh tòa lâu đài với tổng diện tích là 19ha, xây dựng 9 hầm rượu nho. Năm 2008, vợ chồng chị nhận được dự án của Liên minh Châu Âu (EU) về mở rộng du lịch khách sạn nên đã xây thêm một tòa nhà mới với bể bơi, dịch vụ spa, nước tắm nóng, khu vui chơi cho trẻ em...
Niềm vui đến với gia đình chị Thiện khi năm 2011, Khách sạn Lâu đài Fried đoạt giải "Khách sạn của năm" trong cuộc bình chọn do Hệ thống giới thiệu các địa điểm nghỉ ngơi trong nội địa lớn của Hungary ESZALLAS tổ chức. Trước đó, năm 2010, Khách sạn Lâu đài Fried cũng đã được bình bầu là khách sạn đẹp nhất Hungary. "Tôi thấy tự hào là mặc dù ở xứ người nhưng mình đã hòa nhập được và khẳng định vị trí của mình. Đây là sự động viên rất lớn cho những cố gắng của cả quá trình hơn 10 năm sống ở Hungary".
Chị Thiện hiện còn đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary và Chủ tịch Quỹ phát triển hữu nghị Hung - Việt. Chia sẻ về vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, chị Thiện cho biết: "Bản thân đã qua những phút rất trống vắng nơi xa xứ, nên tôi muốn tạo cho chị em Việt Nam một nơi trao đổi tâm tình. Mọi người có nhu cầu gặp nhau, trao đổi từ cách nấu ăn món Việt, thăm hỏi giúp đỡ nhau lúc đau ốm, đến công việc cưới xin cho con cái. Ngoài ra, một việc đặc biệt quan trọng nữa là giáo dục và truyền được cho các cháu thế hệ thứ hai tình yêu với Việt Nam, trong đó vai trò người mẹ rất quan trọng".