Ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn: SOS!
Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 09/07/2012
Rác thải ứ đọng
Trên đê tả Tích, đoạn qua Đụn (Kim Quan - Thạch Thất) đã trở thành nơi tập kết rác thải của người dân thị trấn Liên Quan và xã Kim Quan từ nhiều năm nay. Đủ các loại rác thải từ xác động vật chết, hoa quả thối, túi ni lông… đổ tràn ra ven đê tạo ổ đùn, ổ mối ảnh hưởng đến thân đê, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chị Nguyễn Thị Hà ở xã Kim Quan sống gần khu vực Đụn Dương cho biết, vào những ngày thời tiết nắng nóng, mùi rác thải hữu cơ phân hủy bốc lên nồng nặc. Không riêng ở Đụn, dọc theo đường 419 chạy qua huyện Thạch Thất và Quốc Oai, khu vực chợ Đông Sơn (Chương Mỹ)… ven đường tại nhiều nơi bị biến thành các điểm tập kết rác thải lưu cữu gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, hiện nay chỉ có 5 huyện gồm: Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Thanh Trì thực hiện thu gom toàn bộ lượng rác thải đem xử lý tập trung tại các bãi rác của TP. Như vậy, chỉ một phần rác thải nông thôn tại các huyện còn lại được thu gom, vận chuyển về các khu xử lý tập trung, còn phần lớn rác thải được thu gom và xử lý tại chỗ. Trung bình, mỗi ngày lượng rác thải nông thôn Hà Nội khoảng 2.500 tấn. Lượng rác thải quá lớn, trong khi việc xử lý tại các khu xử lý rác của TP hạn chế nên nhiều xã phải đổ rác xuống các thùng đào, thùng đấu, vùng trũng… tạo các hố chôn rác tự phát không bảo đảm tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường không khí, đất và nguồn nước tại các khu vực. Ông Khuất Khắc Sơn, Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Thất khẳng định, nhân dân tại các thôn, làng đều muốn rác thải được thu gom, đem đi xử lý tại các khu tập trung của TP, nhưng khổ nỗi lượng rác thải quá lớn, tồn đọng nhiều trong khi các khu chứa rác của TP không đủ năng lực tiếp nhận nên buộc các địa phương phải lo chôn lấp thủ công tạm thời tại chỗ, gây ô nhiễm môi trường. Tìm giải pháp thu gom, xử lý rác thải cho nông thôn Hà Nội đang là bài toán đau đầu cho các nhà quản lý khi các bãi xử lý rác lớn của TP như Nam Sơn, Xuân Sơn… gần như quá tải. Trong khi đó việc xử lý rác thải tại khu vực ngoại thành chủ yếu dưới hình thức chôn lấp tạm. Thực tế, không phải loại rác thải nào cũng có thể xử lý theo kiểu chôn lấp thông thường, bởi có nhiều loại rác thải khó phân hủy, như túi ni lông không thể tiêu hủy. Ngoài ra, hình thức chôn lấp rác tạm về lâu dài sẽ khó tồn tại vì quỹ đất ngày càng thu hẹp.
Giải pháp đồng bộ
Giải quyết vấn đề tồn đọng rác thải nông thôn được Sở TN&MT Hà Nội đề ra với việc thực hiện đề án xây dựng 4 khu xử lý rác thải Việt Hùng (Đông Anh), Lại Thượng (Thạch Thất), núi Thoong giai đoạn 2 (Chương Mỹ), Phương Đình (Đan Phượng), Xuân Sơn (Sơn Tây). Dự kiến, đến hết năm 2013, bốn khu xử lý rác thải trên sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ xử lý được lượng rác thải tồn đọng tại khu vực nông thôn. Các huyện như Phú Xuyên, Ứng Hòa… cũng đang từng bước tiến hành các thủ tục đầu tư để xây dựng dự án xử lý đốt rác Châu Can, nhà máy xử lý rác thải Đông Lỗ… Ngoài ra, Hà Nội cũng khuyến khích các xã, thị trấn thành lập các tổ, HTX thu gom, xử lý rác thải. Đến nay, đã có 355 xã lập tổ thu gom rác thải tại các thôn, làng. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cho rằng, để giải quyết vấn đề quá tải rác thải ở ngoại thành không thể chỉ dừng lại ở việc xây dựng thêm điểm chứa, xử lý rác theo phương pháp thủ công mà phải áp dụng công nghệ chế biến, xử lý rác hiện đại. Cùng với đó người dân cần hạn chế sử dụng túi ni lông và thực hiện phân loại rác vô cơ, hữu cơ riêng biệt ngay từ đầu nguồn cũng sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn.