Kiểm ngọn, sót gốc!
Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 09/07/2012
Việc vừa bắt giữ 200kg nầm thối đã bốc mùi tại Gia Lâm hay vụ bắt lái xe ô tô chở 600kg nầm thối tại chân cầu Thanh Trì, quận Hoàng Mai và vụ phát hiện 4 tấn thịt lợn chết mắc bệnh tai xanh tại xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ để biến thành thịt chưng mắm tép và làm ruốc… cho thấy có rất nhiều kẽ hở trong khâu kiểm soát, kiểm dịch vệ sinh thú y để thịt "bẩn" hoành hành.
Trạm trưởng Thú y huyện Chương Mỹ Nguyễn Thị Ngữ than phiền, chế độ cho đội ngũ thú y viên cơ sở quá thấp, chỉ một triệu đồng/tháng, lại làm việc trong điều kiện thiếu vật tư, phương tiện nên họ không thể sống bằng nghề được. Họ phải xoay xở kiếm thêm việc làm, lo cuộc sống nên không chú tâm việc tiêm phòng, phát hiện dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh thú y dẫn đến bỏ lọt nhiều cơ sở giết mổ, thu mua cả lợn chết dịch tai xanh về tiêu thụ rồi dịch bệnh bùng phát mà không dập tắt được. Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình lo lắng, hiện Hà Nội có 3.725 cơ sở giết mổ "chui" không bảo đảm vệ sinh thú y chưa thể kiểm soát được. Lực lượng thú y mới cơ bản đóng dấu kiểm dịch khi gia súc, gia cầm đã bày bán tại các chợ lớn, các cơ sở giết mổ tập trung, còn toàn bộ các điểm giết mổ "chui" và tại các chợ nhỏ thì chưa thể kiểm soát được. Bên cạnh đó, số gà, lợn ốm dịch, chết được thu gom rồi vận chuyển chui, trốn các chốt kiểm dịch vẫn bị bỏ lọt vì không đủ lực lượng thú y chân rết để kiểm soát.
Giữa những ngày cao điểm bùng phát dịch lợn tai xanh, chăn nuôi bị thiệt hại lớn, càng thấy vai trò, trách nhiệm của cán bộ thú y quan trọng và nặng nề. Cần có cơ chế, chính sách hợp lý, chế độ thù lao khuyến khích và lực lượng đủ mạnh để làm tốt khâu kiểm soát vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, phát hiện dịch bệnh tại cơ sở. Nếu lực lượng thú y mỏng, đời sống khó khăn, lơ là công việc, chỉ kiểm soát phần ngọn, bỏ sót phần gốc thì nguy cơ lây lan dịch bệnh, thiệt hại cho sản xuất sẽ khó lường.