Có sự tiếp tay của nhân viên y tế
Bạn đọc - Ngày đăng : 06:54, 09/07/2012
Quá tải "đẻ" ra "cò"
Nhìn nhận hiện tượng "cò" BV là do quy luật cung - cầu, nhiều ý kiến cho rằng, từ lâu "cò" là "bộ phận" của nhiều cơ sở y tế. Các điểm nóng về tình trạng quá tải luôn là "mảnh đất" màu mỡ để "cò" sinh sống. Tại Hà Nội, các BV Mắt Trung ương, Bạch Mai, Phụ sản Trung ương, Nhi Trung ương, K, Việt - Đức, Xanh Pôn, 108… là những nơi "cò" hoạt động công khai. Theo đại diện BV K, tình trạng quá tải cộng với tâm lý muốn xong việc nhanh, không muốn xếp hàng dẫn đến vấn nạn cò mồi, lừa đảo, móc túi. Tại đây, luôn có 5, 7 người tiếp cận, dẫn dắt bệnh nhân, thường là người ngoại tỉnh. "Dù BV đã triển khai nhiều biện pháp như mở rộng khoa khám bệnh, khám và xét nghiệm từ 6h30 sáng, hằng ngày liên tục có loa nhắc nhở người bệnh, ký hợp đồng với công an phường Hàng Bông, yêu cầu cán bộ, nhân viên không tiếp tay, hợp tác với "cò", thế nhưng lực lượng này vẫn ngang nhiên hoạt động", lãnh đạo đơn vị thừa nhận.
Do tâm lý của người bệnh và do tình trạng quá tải tại các bệnh viện dẫn đến vấn nạn cò mồi hoành hành. Ảnh: Dương Thủy
Tình trạng cò mồi hoạt động công khai, nhức nhối nhất và được dư luận nhắc đến nhiều nhất có lẽ là ở BV Mắt Trung ương, nơi mỗi ngày có khoảng 1.500 bệnh nhân tới khám, chưa kể mỗi người đều có 1 - 2 người thân đi kèm. "Cò" mời chào bệnh nhân ngay ở cổng, từ việc nhỏ nhất như chỉ chỗ giữ xe, mua sổ y bạ. Theo ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc BV Mắt Trung ương, lâu nay BV đã lắp hệ thống loa ngay tại cổng ra vào liên tục thông báo với bệnh nhân và người nhà cẩn trọng với "cò mắt", nhưng vẫn không hạn chế được.
Phân trần rằng dù BV Phụ sản Trung ương đã lắp 25 camera theo dõi ở các điểm "nhạy cảm" nhất, phối hợp với công an phường, đội bảo vệ siết chặt nạn "cò", nhưng vẫn không thể dẹp được họ - Phó Giám đốc Vũ Bá Quyết cho biết: "Cò ngoại" thì hoạt động công khai, thách thức cả công an, còn "cò nội" lại tinh vi khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn. "Thậm chí, có cả "cò" là cán bộ BV về hưu, ngày nào cũng đưa "người nhà" đến khám", ông Quyết phàn nàn. Ông cho biết thêm, thời gian gần đây, khi báo chí đưa tin nhiều về tai biến sản khoa, các sản phụ càng lo lắng, đổ xô đến BV dù các ca đẻ thường chỉ cần đẻ tại tuyến xã, huyện, khiến cho tình trạng quá tải càng gia tăng. Đây chính là cơ hội để "cò" ra sức hoành hành.
Ông Nguyễn Đức Chính, BV Việt - Đức cũng thừa nhận, phía ngoài BV "cò" hoạt động rất nhộn nhịp, nhất là các đội xe cứu thương mượn danh BV để "chặt chém" người bệnh. BV biết mà không quản được. Ông Vũ Tiến Dũng, Phó phòng Tổ chức cán bộ (BV Bạch Mai) còn tiết lộ, "cò" ngày càng hoạt động tinh vi hơn, thậm chí còn phát cacvidit ngay tại cổng để quảng cáo "nghề", từ khám nhanh, sớm, mua thuốc xịn đến giới thiệu bác sĩ phẫu thuật giỏi, nằm "giường đẹp".
Trước vấn nạn này, nhiều lần BV đã lập tổ an ninh nội bộ hoạt động bí mật, phục kích theo dõi để phát hiện và bắt quả tang đối tượng lừa đảo, cò mồi… nhưng cũng chỉ dẹp được phần nào. Mới đây, BV Bạch Mai đã phải thành lập "Ban chỉ đạo giải quyết nạn cò mồi tại BV" do đích thân giám đốc làm trưởng ban để xây dựng các phương án giải quyết hiện tượng này.
Ngăn chặn nạn cò mồi, bắt đầu từ đâu?
Vì người cung cấp dịch vụ và người cần dịch vụ "khó" gặp nhau nên đành phải phó thác cho "cò", ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương phân tích. Nếu giải quyết được điều này thì "cò" sẽ "tử vong". Tuy nhiên, theo ông Hải cần phân biệt rạch ròi giữa "cò ngoại" và "cò nội", trong đó "cò nội" là nhân viên của BV thì lãnh đạo BV phải kiên quyết xử lý thích đáng. Đại diện BV Việt - Đức cũng chia sẻ, BV đã có quy định sẽ phạt 5 - 10 triệu đồng khi nhân viên áo trắng đi đón bệnh nhân, giúp họ thanh toán viện phí hay khám bệnh, tuy nhiên thực tế chưa ai bị phạt.
Theo đánh giá của cơ quan công an, nhiều quận, huyện chưa quan tâm đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nói chung và "cò" BV nói riêng. Tất cả BV đều có "cò" hoạt động, nhưng phức tạp nhất là tại BV K, Mắt và Bạch Mai. Trong 6 tháng đầu năm, công an thành phố đã buộc 12 đối tượng "cò" đi cải tạo. Nhưng ông Nguyễn Viết Chức, Phó phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cũng thẳng thắn đặt vấn đề: "Nếu bác sĩ không câu móc với "cò" thì "cò" làm gì có đất hoạt động. Vì "cò" chỉ dẫn dắt, còn người đồng ý vi phạm quy chế, khám nhanh, khám sớm, mổ có chỉ định phải là bác sĩ và người quản lý BV. Cơ quan công an sẵn sàng xử lý nếu phát hiện hiện tượng này nhưng hiện nay, việc móc nối giữa "cò ngoại" và "cò nội" rất tinh vi, nếu BV quản không tốt thì khó dẹp được vấn nạn này".
Trước nhận xét xác đáng này, ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thẳng thắn nhìn nhận: "Hoạt động "cò mồi" đều có liên quan đến nhân viên y tế nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thấy BV nào báo cáo về các trường hợp vi phạm. Rõ ràng, giám đốc BV phải nâng cao trách nhiệm, phải xử lý, kỷ luật nếu nhân viên vi phạm, tránh bao che, nếu không thì sẽ khó dẹp nạn "cò". Còn ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: Vấn nạn "cò" không chỉ gây mất trật tự BV, giảm chất lượng khám chữa bệnh, tha hóa cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân tiền mất tật mang mà càng khiến bệnh nhân giảm lòng tin vào y đức của bác sĩ, nên tới đây, bên cạnh việc yêu cầu giám đốc các BV có hình thức xử lý thích hợp đối với nhân viên y tế tiếp tay cho "cò", Bộ Y tế sẽ kiểm tra đột xuất các BV và coi kết quả của việc giải quyết tình trạng "cò" là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng BV cuối năm.