Hồi kết khó đoán định
Thế giới - Ngày đăng : 06:48, 09/07/2012
Nếu như cuối tháng 6 vừa qua, hội nghị quốc tế về Syria ở Geneva đã đạt được "đồng thuận tối thiểu" về một chính phủ chuyển tiếp tại Syria để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 16 tháng và không yêu cầu phế truất Tổng thống Bashar al-Assad thì, ngay sau đó, tình hình đã bước sang một ngã rẽ mới.
Mong muốn một nền hòa bình của người dân
Tại Hội nghị "Những người bạn của Syria" tổ chức ở Paris (Pháp), ngày 6-7, với sự tham dự của đại diện hơn 100 quốc gia, đã yêu cầu một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Theo đó buộc Syria phải chấp thuận kế hoạch chuyển giao chính trị; kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức như một phần của sự chuyển giao chính trị ở quốc gia này và nhất trí tăng cường viện trợ quy mô lớn cho phe đối lập Syria. Cùng ngày, với 41/47 phiếu ủng hộ (Nga, Trung Quốc và Cuba bỏ phiếu chống, Uganda, Ấn Độ và Philippines bỏ phiếu trắng), Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua một nghị quyết do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đồng đệ trình, lên án tình hình bạo lực tại quốc gia Trung Đông này. Trước đó, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã bỏ phiếu bác một đề xuất sửa đổi của Nga yêu cầu hội đồng lên án "mọi hành động khủng bố tại Syria"...
Những diễn biến trong ít ngày qua cho thấy, cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria đang cận giờ "điểm hỏa". Từ hội nghị "Những người bạn của Syria", mà Nga, Trung Quốc không tham dự, các cường quốc phương Tây đang tìm kiếm một nghị quyết của HĐBA, như một "cây gậy" để can dự sâu rộng hơn nhằm áp đặt giá trị của họ với Damascus. "Công thức" như được thấy ở Libya đang được các thế lực muốn thay đổi chế độ hiện hành tại Syria áp dụng.
Nhưng để một Libya nữa hiện hữu sẽ là không thực tế khi bài học nhãn tiền tại Libya vẫn còn đó. Chế độ của cố lãnh đạo Muammar Gaddafi tuy bị lật đổ nhưng tình trạng bạo lực tại quốc gia này vẫn không ngưng nghỉ. Mới đây nhất, ngày 7-7, cuộc bỏ phiếu để bầu chọn ra một cơ quan lập pháp lâm thời tại Lybia đã nhuốm màu bạo lực và chỉ có khoảng 60% cử tri Libya đi bỏ phiếu. Sự từ chối Hội nghị "Những người bạn của Syria" của Nga, Trung Quốc cũng như lá phiếu chống tại Hội đồng Nhân quyền LHQ của hai nước này cho thấy, đây là khoảng cách không dễ vượt của phương Tây nhằm thay đổi chế độ hiện hành tại Syria. Và, khi sự tồn tại của Tổng thống Bashar al-Assad là không thể thì áp lực cả về chính trị, ngoại giao và quân sự từ phương Tây lên chế độ Damascus ngày một tăng là không quá khó hiểu. Vì thế, cuộc khủng hoảng Syria như một cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc đã ngày một leo thang và khó kiểm soát.
Trong một diễn biến mới, phản ứng trước các biện pháp răn đe do phương Tây áp đặt, ngày 7-7, hải quân Syria đã bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật trong khuôn khổ đợt thao diễn quân sự với sự tham gia của nhiều đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Syria. Trong khi đó, bạo lực tại quốc gia Trung Đông này đang ngày một khốc liệt. Kể từ khi bùng nổ phong trào phản đối chính phủ (tháng 3-2011) đến nay, bạo lực đã cướp đi sinh mạng của hơn 17.000 người. Riêng trong ngày 7-7 đã có ít nhất 60 người chết gồm cả dân thường, trong các vụ giao tranh giữa quân đội và các tay súng nổi dậy. Bạo lực đã lan sang cả nước láng giềng Lebanon khi đạn pháo bắn qua biên giới hai nước làm hai bé gái và một phụ nữ thiệt mạng, 9 người khác bị thương... Những gì đang diễn ra đã khiến đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab Kofi Annan (ngày 7-7) phải lên tiếng thừa nhận, sứ mệnh của ông nhằm đem lại hòa bình cho Syria đã thất bại.
Quan điểm chỉ người Syria mới có thể đưa ra các quyết định về tương lai của đất nước và Damascus đã sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên nhằm đạt được sự đồng thuận về một kế hoạch chấm dứt khủng hoảng nhưng đã không nhận được sự "đồng thuận" từ các thế lực bên ngoài. Sự ra đi của ông Bashar al-Assad được áp đặt là điều kiện tiên quyết, sau đó mới có thể có các bước tiếp theo. Đây là nguyên do đang đẩy cuộc khủng hoảng tại Syria tới hồi kết khó đoán định.