Mất lòng tin là mất vốn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:43, 09/07/2012
Hiện tại, giá bán đã tiệm cận với giá thành, một số dự án được bán ra với mức giá 16-17 triệu đồng mỗi mét vuông, với diện tích căn hộ từ 80 đến 100m2. Thậm chí, tại Hà Nội, có dự án, giá nhà biệt thự, nhà liền kề giảm tới 50% so với quý I-2010. Nhiều doanh nghiệp liên tiếp thực hiện các chính sách hỗ trợ vay vốn, khuyến mãi, giảm giá bán căn hộ, thậm chí bán với giá hòa hoặc lỗ vốn nhưng vẫn không thể cải thiện được tình trạng ảm đạm của thị trường.
Việc giải cứu thị trường bất động sản đang được nêu ra như một vấn đề cấp bách bởi bất động sản liên quan đến hàng loạt ngành công nghiệp. Thị trường bất động sản đình trệ dẫn đến tình trạng tồn kho ngày một gia tăng của các ngành sản xuất thép, xi măng, các loại vật liệu xây dựng… Không chỉ sản xuất ngưng trệ, cầm chừng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đang đứng bên bờ vực phá sản, kéo hệ lụy cho nền kinh tế và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội.
Vậy, giải cứu thị trường bất động sản từ đâu? Đây không phải là một câu hỏi mới. Với một thị trường có rất nhiều khuyết tật như thị trường bất động sản thì những giải pháp được đưa ra trong thời gian qua chưa đủ sức vực dậy thị trường. Suốt một thời gian dài, thị trường này đã bị lũng loạn bởi nạn đầu cơ và quản lý yếu kém… Và cho đến nay vẫn tồn tại nghịch lý: Doanh nghiệp liên tục hạ giá nhưng không bán được hàng, còn người dân rất muốn có căn hộ để ở nhưng lại không đủ tiền mua.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã vay tới 70-80% trên tổng giá trị dự án. Do vậy, khi ngân hàng "siết nợ", thị trường xuống dốc, doanh nghiệp buộc phải "đổ hàng" để tránh nguy cơ phá sản. Trong khi đó, người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình luôn "khát" nhà thì trên thị trường chỉ có 33,8% số căn hộ bình dân. Thị trường bất động sản hướng tới một nhóm đối tượng nhỏ có đủ sức mua loại căn hộ cao cấp nhưng vai trò quyết định đối với thị trường này lại phụ thuộc vào số đông. Thiếu định hướng trong đầu tư hay nói cách khác: Kinh doanh kiểu "mì ăn liền" là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng bi đát của thị trường bất động sản hiện nay.
Một vấn đề nữa đó là sự suy giảm lòng tin. Hàng loạt dự án chậm tiến độ đang gây ra tâm lý hoang mang, lo ngại cho người mua nhà, thậm chí có nhiều dự án, khách hàng đòi kiện chủ đầu tư ra trước cơ quan pháp luật. Những lo ngại việc chủ đầu tư mang tiền của người dân mua nhà đi trả nợ hoặc đầu tư vào việc khác không phải không có lý. Cũng vì vậy, không ít dự án trong giai đoạn khởi đầu đã không thể huy động vốn của người mua nhà. Những "cơn sóng" đã qua, không huy động được nguồn vốn từ xã hội, thị trường bất động sản chỉ có thể hy vọng vào nguồn vốn ngân hàng một cách mong manh.
Như vậy, để giải cứu thị trường bất động sản, ngoài việc đổi mới những chính sách về đất đai, thủ tục hành chính, tài chính ngân hàng; hay định hướng thị trường, cơ cấu lại các doanh nghiệp bất động sản… như nhiều chuyên gia vẫn nói thì việc lấy lại niềm tin cho thị trường có vai trò quan trọng không kém. Bởi lẽ, vấn đề cốt lõi với thị trường bất động sản hiện nay vẫn là nguồn vốn. Khi không có được lòng tin để huy động vốn từ người mua nhà, doanh nghiệp bất động sản còn tiếp tục rơi vào khó khăn.