Hồi sinh chèo Canh Nậu

Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 08/07/2012

(HNM) - Về Canh Nậu (Thạch Thất) đúng vào dịp đội văn nghệ đang tất bật chuẩn bị cho tối biểu diễn chào mừng những ngày lễ lớn của dân tộc. Không khí náo nức khắp các nẻo đường, tiếng mời gọi í ới rủ nhau tối ra sân kho HTX xem hát chèo chứng tỏ người dân nơi đây vẫn rất mê


Nghe các thành viên trong đội chèo Canh Nậu kể, hồi còn bé tí, các anh các chị đã theo bố mẹ ra đình làng xem hát chèo. Thế rồi tiếng trống chèo rộn rã, làn điệu chèo tình tứ đã mê hoặc lòng người khiến họ phải mang cái "nghiệp" vào thân. Các diễn viên chèo ngày xưa, nay đều đã luống tuổi nhưng vì duyên nợ với chèo nên vẫn nhiệt tình tham gia khôi phục chèo cổ Canh Nậu.

Nhiều vùng quê xứ Đoài nổi tiếng hát chèo. Ảnh: Tư Văn


Chị Nguyễn Thị Nhiên - diễn viên trong đội chèo Canh Nậu bồi hồi nhớ lại, chèo Canh Nậu hoạt động hiệu quả và đáng nhớ nhất là vào những năm 1986-1989. Hồi đó, nước ta mới xóa bỏ bao cấp nên kinh tế còn khó khăn. Ở Canh Nậu, các phương tiện nghe nhìn như ti vi, radio vẫn còn rất hiếm, nên sau những ngày lao động vất vả, đêm diễn chèo trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con nơi đây. Khi mặt trời tắt bóng, già trẻ, gái trai của 4 thôn trong xã, người chiếu, người ghế kéo về sân kho hợp tác xã chiếm trước chỗ ngồi. Chỉ cần thấy thế, các diễn viên đã có thể đắm mình trong các vai diễn. Để có những buổi diễn thành công, đội phải tập luyện cả ngày lẫn đêm, thù lao là hai bữa cơm do người của UBND cử ra xã nấu. Đội chèo 20 người gồm cả nhạc công và diễn viên, ai vào việc nấy phát huy sở trường của mình mong sao phục vụ bà con một cách tốt nhất. Những giọng chèo của Nguyễn Thị Nhiên, Nguyễn Thị Phúc, Đỗ Thị Hồng, Nguyễn Trung Dũng; cây sáo Khắc Trinh; tay trống Khắc Chấn; tác giả kịch bản, đạo diễn chương trình Hiệu Úy… đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả với những vở: Tấm Cám, Xúy Vân giả dại, Bông hồng thắm, Thị Mầu lên chùa… Diễn viên, nhạc công mỗi người một công việc, hoàn cảnh riêng nhưng vẫn gắn bó với chèo.

Bẵng đi mười  năm, chèo Canh Nậu chùng xuống, những diễn viên chèo thuở nào nay con cháu đuề huề, kinh tế ổn định, nhưng khi ngồi ngẫm nghĩ thấy xót cho nét văn hóa truyền thống quê hương bị mai một. Thế nên, họ đã bàn nhau khôi phục lại đội chèo. Chủ trương của đội là hễ ai yêu chèo cứ tham gia, nếu không biết làn điệu sẽ được truyền dạy. Vận động mãi, đội chèo tập hợp được 14 người (cao tuổi nhất là 60, thấp nhất khoảng 17). Đội chèo chính thức được khôi phục năm 2005, thu hút sự quan tâm của khán giả. Tiếng í a hát chèo lại vang lên từ các nhà văn hóa thôn. Buổi đầu tiên đội đi phục vụ chùa thôn 2 nhân dịp khánh thành, diễn vở Thị Mầu lên chùa. Dần dần, đội chèo đã kéo được người xem về cho mình. Vào dịp lễ tết, hội hè hay các dịp kỷ niệm của đất nước, của xã Canh Nậu đội đều có chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân. Ngoài các trích đoạn chèo cổ, những tiết mục chèo tự biên, tự diễn cũng được đội chèo dàn dựng. Năm 2009, tại Hội diễn sân khấu chèo không chuyên thành phố Hà Nội, đội chèo Canh Nậu tham gia vở chèo mới Bài thơ hạnh phúc, lời Xuân Cung đoạt giải nhì. Gần đây nhất, đội chèo Canh Nậu tham gia Liên hoan ca múa nhạc Bác Hồ niềm tin sáng mãi của thành phố Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với tiểu phẩm Quê hương vui đón Bác của tác giả Hiệu Úy.

Chỉ với niềm yêu thích chèo, những người con sinh ra trên đất Canh Nậu nay đã luống tuổi nhưng vẫn ngày đêm luyện tập để giữ gìn vốn quý của làng. Tuy vất vả nhưng chỉ cần thấy sự hân hoan trên gương mặt khán giả khi đội biểu diễn, với họ thế là đủ.

Tư Văn