Để người lao động bớt thua thiệt

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:22, 08/07/2012

(HNM) - Thành ngữ xưa "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống" giờ đang đúng với ít nhất 50% gia đình Việt Nam, gồm 20% nghèo (thu nhập đầu người một tháng dưới 350 nghìn đồng ở nông thôn và 450 nghìn đồng ở thành phố) và 30% thu nhập thấp (dưới 1,5 triệu đồng).

Đó chủ yếu là nông dân, lao động chân tay, làm công ăn lương hằng ngày trầy trật kiếm từng đồng mà khi chi phải tiêu tiền triệu. Ngay cả những người có mức thu nhập gọi là trung bình (từ 1,5 đến 4 triệu đồng/tháng, còn nhiều hơn thuộc diện thu nhập cao), chiếm không dưới 30% dân số, cũng không dám tin rằng tiền vào nhà mình nhanh hơn tiền ra trong hoàn cảnh hiện nay.

Với 50% hộ "chưa xong trưa đã lo tối" và 30% hộ bấp bênh ấy, lãnh đạo nhà nước, chính quyền địa phương có những quan tâm thường xuyên với những chủ trương, chính sách nhằm nâng cao mức sống của họ, từ tạo ngành nghề mới, bảo vệ sức khỏe, chỗ ở giá rẻ…  Những thành tựu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội sẽ ấn tượng hơn, hàng triệu người đã có nhiều cơ hội vươn lên hơn nếu như cấp trung gian thực hiện làm việc bớt tắc trách, quan liêu; quan tâm hơn tới cộng đồng thay vì lợi ích cục bộ. Tức là nếu họ thực thi đúng trách nhiệm, tôn trọng cam kết của mình thì kết quả có thể đã khác.

Mặc dù nhiều bệnh viện, từ trung ương tới địa phương, khẳng định rằng giá nhiều dịch vụ của họ không kịch trần theo quy định mới, thậm chí còn chưa đủ bù chi nhưng dư luận có nhiều cơ sở để nghi ngờ rằng tất cả 447 dịch vụ y tế sẽ được thu ở mức cao nhất. Bệnh nhân là ai? Chủ yếu là 50% "cơ bản" và không ít từ 30% "tiềm năng". Tăng giá dịch vụ y tế là để tăng chất lượng khám chữa bệnh, nhưng chất chưa thấy mà túi tiền đã vơi.

Bình ổn giá thực sự là một chủ trương kịp thời giúp người lao động vượt qua thời kỳ đình trệ.  Hà Nội đã duyệt chi hơn 370 tỷ đồng để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu từ tháng 5-2012 đến tháng 4-2013. Chương trình này được bắt đầu năm 2008 nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn vì hàng bình ổn giá (70-80%) vẫn chủ yếu bán ở nội thành, trong các siêu thị nên đối tượng chính của nó là nông dân, công nhân, sinh viên… khó tiếp cận.  Nó chưa mang lại nhiều lợi ích cho những người nó nhắm đến không chỉ vì nhóm hàng ít (10 nhóm); thị phần chưa đáng kể (8-10%) và mặt hàng chưa phong phú… mà chính là do việc thực hiện chính sách còn chưa phù hợp, dễ bị lợi dụng và thao túng; mới chú trọng bán hàng chứ không tạo nguồn hàng, khuyến khích sản xuất hàng giá rẻ…

Để người lao động ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ thành quả của đổi mới thì đưa ra những chủ trương, chính sách xã hội tốt là rất cần thiết nhưng chưa đủ. Khâu trung gian thực hiện quyết định rất nhiều nên không thể chỉ kêu gọi. Cần có quy chế kiểm tra nghiêm ngặt, chế độ thưởng phạt nghiêm minh để nó hoạt động đúng trách nhiệm được giao. Chỉ như thế thì chính sách tốt mới thành công và người lao động mới đỡ thiệt thòi.

Tú Khôi