Đổi mới, phát triển có hiệu quả kinh tế hợp tác xã
Chính trị - Ngày đăng : 15:57, 07/07/2012
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Gắn quá trình phát triển hợp tác xã với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Sau gần 200 năm kể từ khi hợp tác xã đầu tiên trên thế giới được thành lập, đến nay phong trào hợp tác xã đã phát triển rộng khắp ở nhiều nước, có vai trò, vị thế và đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia.
Với khoảng 750.000 hợp tác xã, gần 1 tỷ xã viên, khu vực hợp tác xã đã có đóng góp trực tiếp vào việc cải thiện đời sống của gần một nửa dân số thế giới. Vị thế, vai trò và những đóng góp tích cực của phong trào hợp tác xã quốc tế được Liên Hợp Quốc, các tổ chức thành viên trong hệ thống Liên Hợp Quốc ghi nhận, đặc biệt đối với phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Trong những đóng góp to lớn này có vai trò quan trọng Liên minh hợp tác xã quốc tế (ICA), một trong những tổ chức quốc tế lớn nhất đại diện cho hơn 224 tổ chức hợp tác xã quốc gia của gần 100 nước thành viên.
Ở Việt Nam, nhận rõ vai trò, vị trí quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân, cách đây 64 năm, ngay từ khi mới lập nước, Hồ Chủ tịch đã gửi thư kêu gọi điền chủ, nông gia tham gia hợp tác xã. Nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đến quá trình đổi mới, phát triển hợp tác xã, như tạo thuận tiện cho thành lập, đơn giản thủ tục, ưu đãi về thuế, hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đào tạo nghề cho người lao động trong các hợp tác xã…
Phong trào hợp tác xã nước ta không ngừng lớn mạnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và có những đóng góp quan trọng trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 370.000 tổ hợp tác, 19.500 hợp tác xã, 54 Liên hiệp hợp tác xã, tập hợp khoảng 13 triệu xã viên và người lao động - là khu vực kinh tế xã hội rộng lớn.
Khu vực hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả, đóng góp quan trọng vào GDP (khoảng 6%). Nhiều hợp tác xã đã mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề thu hút lao động, giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tham gia xoá đói giảm nghèo, xây dựng cộng đồng, hỗ trợ tương thân, tương ái, góp phần vào việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, cơ sở.
Đưa “hợp tác” trở thành nét văn hóa
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, để tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác xã có hiệu quả, trong thời gian tới, cần quán triệt và nắm vững đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tập thể đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và trong Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ V khoá IX.
Phát triển hợp tác xã phải trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc hợp tác xã, tuân thủ các quy định trong luật Hợp tác xã, tôn trọng nguyên tắc tự nguyện của các thành viên. Gắn quá trình phát triển hợp tác xã với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quá trình xây dựng nông thôn mới. Kết hợp phát triển mới với việc chú trọng củng cố, nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã hiện có.
Với tư cách là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hợp tác xã, các tổ chức thành viên, Liên minh các hợp tác xã Việt Nam cần sâu sát, gắn bó mật thiết với cơ sở, phong trào, kịp thời nắm bắt và hiểu biết các khó khăn vướng mắc của các hợp tác xã, từ đó chủ động đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan; tham gia tích cực với các cấp, các ngành trong việc xây dựng chương trình, đề án phát triển kinh tế tập thể, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hợp tác xã.
Đồng thời, Liên minh phải làm thật tốt các hoạt động hỗ trợ phát triển đối với kinh tế tập thể, coi trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã và dạy nghề cho xã viên và người lao động, kỹ năng quản lý hợp tác xã theo các tiêu chuẩn mới, nâng cao kiến thức về thị trường, thông tin, xây dựng thương hiệu, hội nhập kinh tế quốc tế...; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khác như tín dụng, thông tin, tư vấn khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, tham gia triển khai các chương trình, dự án kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dịch vụ mà thành viên đang có nhu cầu và đòi hỏi cấp thiết hiện nay.
Phấn đấu đưa “hợp tác” trở thành một nét văn hóa, phát huy hơn nữa tinh thần và sinh hoạt dân chủ trong xã hội. Tích cực mở rộng hơn nữa quan hệ đối ngoại nhằm tranh thủ sự giúp đỡ và hợp tác với Liên minh hợp tác xã quốc tế, các tổ chức hợp tác xã các nước và các tổ chức quốc tế khác.
Nhân Năm Quốc tế Hợp tác xã 2012 của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể cần quan tâm phối hợp, tạo điều kiện để Liên minh hợp tác xã Việt Nam làm tốt chức năng, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tập thể.
Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Yuriko Shoji phát biểu tại Lễ kỷ niệm nhấn mạnh, hợp tác xã đã góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm, thúc đẩy sự liên kết và gắn kết xã hội, tạo động lực phát triển địa phương, nâng cao vị thế cho người nghèo và những người yếu thế trong xã hội như phụ nữ và thanh niên. Hợp tác xã cũng góp phần vào tăng trưởng và ngăn chặn sự bất bình đẳng và không công bằng giữa các thành phần kinh tế-xã hội.
Hiện có khoảng 1 tỷ người trên thế giới là xã viên của các hợp tác xã và hợp tác xã tạo ra trên 100 triệu việc làm. Hợp tác xã cũng đóng vai trò chính trong phát triển nông thôn và khoảng ½ sản lượng nông nghiệp trên thế giới được tiêu thụ thông qua các hợp tác xã.
Bà Yuriko Shoji khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm góp phần tạo môi trường chính sách và pháp lý thuận lợi cho các hợp tác xã; đồng thời cũng khẳng định luôn sẵn sàng hỗ trợ Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Chính phủ Việt Nam để đổi mới khu vực hợp tác xã như một lực lượng cho phát triển xã hội, tăng trưởng bền vững và bình đẳng.