Mất việc, người lao động lao đao

Đời sống - Ngày đăng : 07:54, 07/07/2012

(HNM) - Trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đã phải thu hẹp sản xuất, tạm ngưng hoạt động, tinh giản bộ máy, nhân sự khiến hàng nghìn người lao động mất việc làm…


Có việc làm hiện là mong mỏi của không ít công nhân.

Không tìm nổi việc ở TP, nhiều người đã tính đường trở lại quê nhà như chị Nguyễn Minh Tâm (quê ở Vĩnh Long) làm việc tại một công ty da giày ở quận Thủ Đức là một ví dụ. Chị Tâm gắn bó với công ty đã 5 năm, mặc dù lương không cao nhưng hằng tháng vẫn dành dụm được tiền gửi về quê cho chồng, con. Thế nhưng, hai tháng nay, do công ty không ký được hợp đồng nên lương của công nhân không những bị giảm mà có tháng trả không đúng hạn. "Trong khi đó, phần lớn công nhân chúng tôi đều ở ngoại tỉnh lên TP làm việc vẫn phải trả tiền "tươi" các khoản như nhà trọ, điện, nước, trong khi giá cả thực phẩm lại đắt đỏ. Chưa bao giờ tôi thấy cuộc sống khó khăn như hiện nay. Cứ đà này có lẽ tôi phải bỏ về quê tìm công việc khác để kiếm kế sinh nhai!", chị Tâm thở dài!

Còn chị Thu Trang làm việc tại Công ty CP Dệt may Thành Công vừa quyết định nghỉ việc về quê Bến Tre. Từ đầu năm đến nay, ở công ty chị có hàng trăm công nhân đã nghỉ việc như vậy. Chị Trang cho biết, trước đây, công nhân công ty thường tăng ca để có thêm thu nhập thì hiện nay nhu cầu này không còn. "Nhiều khi lãnh lương chỉ hơn 2 triệu đồng một tháng, trong khi tiền thuê nhà, tiền điện, nước cứ tăng liên tục, ăn uống phải tằn tiện cực lắm. Chính vì thế, tôi quyết định nghỉ việc về quê phụ giúp bố mẹ làm ruộng rồi tính tiếp!", chị Trang tâm sự.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TP, thị trường lao động giảm do nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm ngưng hoạt động, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công sản xuất, chế biến. Nhưng có một nghịch lý là nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển đủ số lượng lao động. Đáng chú ý một số nhóm ngành nghề như kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, marketing, điện, cơ khí, công nghệ thông tin… sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có nhu cầu việc làm khá nhiều, nhưng do các doanh nghiệp yêu cầu nhân lực có trình độ chất lượng cao, kinh nghiệm, kỹ năng… nên nhiều sinh viên chưa đáp ứng được. Số người đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng tăng, thể hiện rõ sự chênh lệch của thị trường lao động về số lượng và chất lượng cung - cầu.

Để giảm tình trạng thất nghiệp, ổn định nền kinh tế, các ngành các cấp của TP Hồ Chí Minh cần có các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tìm các giải pháp thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, tái đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu việc làm mới. Đặc biệt ngành lao động cần có những chính sách phúc lợi, chăm lo đời sống, ổn định lực lượng lao động nhằm góp phần ổn định lại thị trường lao động trong 6 tháng cuối năm 2012.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2012, số người đăng ký thất nghiệp là 70.397 người, tăng 22.009 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 53.026 người đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 18.610 người so với cùng kỳ năm 2011. TP đã ban hành quyết định xét hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 49.322 người, tăng 18.977 người so với cùng kỳ năm trước.

Duy Biên