Còn nhiều băn khoăn

Giáo dục - Ngày đăng : 07:47, 07/07/2012

(HNM) - UBND TP vừa trình HĐND TP về đề xuất tăng thu học phí từ 3 đến 5 lần đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Lập tức đã có rất nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều phía, trong đó các bậc phụ huynh có thu nhập thấp rất lo lắng.


Dân nghèo lo lắng

Theo tờ trình của UBND TP gửi HĐND TP về thực hiện Nghị định số 49 của Chính phủ quy định đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2012 đến năm 2015 trên địa bàn TP, để xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP khóa VIII sắp tới (từ ngày 11 đến ngày 13-7) thì khung học phí ban hành năm 1998 không còn thích hợp bởi mức lương tối thiểu đã nâng tới 7 lần, từ 290.000 đồng lên 1.050.000 đồng/ người/tháng hiện nay. Trong khi đó, ngân sách cho GD-ĐT hiện nay lên trên 26% ngân sách chi thường xuyên hằng năm của TP. Ngoài ra do mức học phí thấp, không ít nhà trường đã thực hiện những khoản thu khác, tạo sự thiếu minh bạch trong cơ cấu tài chính dẫn đến tình trạng lạm thu. Mức học phí thấp cũng chưa tạo được động lực cần thiết để các trường chất lượng cao phấn đấu nâng cao tính cạnh tranh trong việc đào tạo nhân lực. Nên UBND TP đề nghị tăng học phí từ 3 đến 5 lần nhưng không được vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình và khung học phí theo Nghị định 49 của Chính phủ.


Trước thông tin này, nhiều người dân TP không khỏi lo lắng. Gia đình chị Phan Thị Kim Minh, ngụ tại đường Phạm Thế Hiển, quận 8, có hai con học trường THPT Hùng Vương (quận 5) và trường THCS Bình An (quận 8). Ngoài tiền học phí đóng theo quy định của Bộ GD - ĐT, còn phải đóng thêm nhiều khoản như quỹ hội phụ huynh (gần 1 triệu đồng/ năm), học hè trong và ngoài trường (khoảng 2 triệu đồng/tháng), chưa kể tiền sửa chữa cơ sở vật chất, mua đồng phục... Tổng cộng gia đình phải chi trên 5 triệu đồng/ tháng cho hai con đã là nặng gánh với đồng lương công chức của cả hai vợ chồng, nếu tăng nữa thì họ khó có thể lo nổi.

Anh Võ Văn Hải (ngụ tại ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) cũng rầu rĩ: "Cả nhà trông chờ vào tiền công thợ xây của tôi. Nuôi hai con đang học, khi học phí chưa tăng, đã thấy "đuối", bây giờ tăng gấp nhiều lần, cộng với giá điện, nước tăng không biết sắp tới gia đình sẽ sống ra sao. Giá cả tăng như thế này người dân sao chịu nổi?!".

Hoàn cảnh hơn, chị Nguyễn Kim Thỏa (ngụ tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) cho biết, gia đình có một cháu đang học lớp 7 trường THCS Hiệp Bình (quận Thủ Đức). Tiền học đã ngốn hơn 1 triệu đồng/tháng, trong khi hai vợ chồng đều là công nhân, tiền thuê nhà hết gần 2 triệu đồng/tháng. Dù tăng ca liên tục nhưng thu nhập cao nhất chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nếu học phí tăng nữa có thể phải gửi con về quê cho ông bà nuôi ăn học.

Cần cân nhắc kỹ

PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh, nguyên đại biểu HĐND khóa VII nói: "TP được xem là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, việc nâng cao chất lượng giáo dục xem như yếu tố cần thiết, trong đó tăng học phí là điểm nhấn. Tuy nhiên, hiện số hộ nghèo toàn TP có mức thu nhập bình quân dưới 12 triệu đồng/ người/năm chiếm trên 5%, do đó, HĐND và UBND TP nên có những chính sách phù hợp như miễn hay giảm học phí cho con em các hộ này. Đồng thời thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục nhằm huy động sức dân cùng xây dựng ngành giáo dục mạnh về cả chất và lượng. Bên cạnh đó cần minh bạch từng khoản thu chi của ngành giáo dục và đóng góp của phụ huynh. Trừ học phí, những khoản đóng góp khác cần lấy tinh thần tự nguyện từ nhân dân, bởi người nghèo sẽ không theo nổi. Làm sao vừa nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm đời sống giáo viên vừa giảm gánh nặng cho người dân".

Nguyên đại biểu HĐND TP khóa VI và VII, kiêm Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đặng Văn Khoa, cho rằng tờ trình trên đã được trình HĐND vào năm 2007 nhưng không được thông qua. "Xét mọi khía cạnh việc tăng học phí trong thời điểm này chưa phù hợp, có chăng cũng chỉ tăng một đến hai lần nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chứ tăng ở mức trên sẽ quá tầm với nhiều người dân", ông Đặng Văn Khoa nói.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên - Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, đề xuất tăng học phí cần phải xem xét thật kỹ mọi khía cạnh và đưa ra lấy ý kiến người dân… rồi mới trình lên HĐND TP xem xét để có chủ trương phù hợp nhất. Giáo dục là tài nguyên cơ bản nhất của đất nước. Nếu tăng học phí quá cao dẫn tới hậu quả thay vì hiệu quả, tức là đã gây tác dụng ngược.

Các mức học phí đề xuất: Các bậc nhà trẻ, mẫu giáo và THPT tăng 3 lần, bậc THCS tăng đến 5 lần. Cụ thể, bậc nhà trẻ các quận là 150.000 đồng/tháng, còn ở các huyện là 90.000 đồng/tháng; mẫu giáo: các quận là 120.000 đồng/tháng, huyện là 60.000 đồng/tháng; bậc THCS, có các mức thu tương ứng là 75.000 đồng/tháng và 60.000 đồng/tháng; bổ túc THCS là 112.000 đồng/tháng và 90.000 đồng/tháng; bậc THPT là 90.000 đồng/tháng và 75.000 đồng/tháng; bậc bổ túc THPT là 135.000 đồng/tháng và 112.000 đồng/tháng. Riêng bậc tiểu học không thu học phí.

Hà Tuấn