Nói dễ nhưng làm không dễ
Xã hội - Ngày đăng : 07:30, 07/07/2012
Chỉ xong, VPF xí xóa cho qua nhưng không kèm theo lời hứa "sẽ xử đến nơi đến chốn" đội nào, lãnh đội nào "chơi bẩn". Thời điểm có khả năng các đội "chơi bẩn" là những lượt đấu cuối. Và giờ đây người ta đang chờ các động thái của VPF…
Người hâm mộ vẫn chờ những trận đấu “sạch” tại V.League. Ảnh: Như Ý
Bóng đá tiêu cực, thứ bóng đá từng khiến người hâm mộ rời xa các khán đài, đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh với các nhà quản lý, điều hành bóng đá Việt Nam. Nhiều mùa bóng trôi qua, cứ đến đoạn cuối tranh đua, người ta lại xì xào về những trận cầu ân tình, về những cú cắt còi đầy bất lợi cho một đội bóng nào đó và tất nhiên là cả về những cú thoát hiểm ngoạn mục của đội này, đội kia. Tất nhiên, mọi thứ phải không theo lẽ thường thì người ta mới đem ra bàn luận. Nhưng bàn tán rồi cũng để đấy. Không có bằng chứng thì mọi nghi hoặc vẫn là chuyện trà dư tửu hậu. Cùng lắm, ở hội nghị tổng kết các giải trên, đại diện đội bóng nào đó bức xúc một lúc rồi thôi. Quan trọng là các giải đấu vẫn về đích an toàn. Tuy nhiên, quan điểm đó là của những nhà điều hành giải, còn nhiều người khác lại "cười khẩy" trước cái sự an toàn kia.
Chuyện này kéo dài nhiều năm và "giọt nước tràn ly" mới dẫn đến bài phát biểu gây rúng động bóng đá Việt Nam của Chủ tịch CLB Hà Nội ACB Nguyễn Đức Kiên ở buổi tổng kết mùa giải trước. Chuyện mà ông Kiên nêu ra không mới nhưng nhờ tài hùng biện của ông bầu này cùng sự "yểm trợ" tối đa của các phương tiện thông tin đại chúng, mọi thứ đã đổi khác. Người trong cuộc đã muốn có một sự thay đổi cơ bản và đó là lý do để VPF ra đời với kỳ vọng sẽ đem lại những giải đấu "sạch". Ở đó, người thua kẻ thắng, người vô địch, kẻ xuống hạng đều xứng đáng mà không một lời oán thán.
Kể lể dài dòng để thấy VPF được kỳ vọng nhiều thế nào trong việc lấy lại hình ảnh cho bóng đá Việt Nam - đã xấu đi rất nhiều trong những năm qua. VPF cũng muốn lôi kéo thật nhiều khán giả đến sân để không khí bóng đá nước nhà thật sự sống động. Muốn làm được việc đó thì điều kiện tiên quyết là phải mang thứ "bóng đá sạch" đến với người hâm mộ. Nâng cao chất lượng V.League cũng như giải hạng Nhất là chuyện lâu dài nhưng làm "sạch" các giải đấu là việc cần làm ngay. VPF đã chứng tỏ khả năng kiếm tiền từ bóng đá mà rõ nhất là việc có được bản quyền các giải bóng đá Việt Nam từ AVG. Nhưng mang đến những giải đấu "sạch" mới là bài toán khó cho các lãnh đạo VPF.
V.League cũng như giải hạng Nhất mùa này cũng có không ít trận đấu khiến dư luận xì xào. Tuy vậy, VPF đã phần nào chiếm được lòng tin qua việc "điểm danh chỉ mặt" một số lãnh đội thích "đi đường tắt" và khiến họ tâm phục khẩu phục ở buổi tổng kết giữa mùa bóng vừa qua. Rõ ràng, VPF đủ khả năng và phương tiện để phát hiện tiêu cực. Tuy nhiên, đến cuối mùa giải này, cũng không loại trừ một số lãnh đội hoặc đội bóng chủ trương "cứu giúp" đội khác. Lúc ấy, VPF sẽ hành xử thế nào khi phát hiện ra tiêu cực hoặc biểu hiện tiêu cực? Bởi "xí xóa" đơn giản hơn nhiều so với việc "xuống tay". Nói thì dễ nhưng làm không dễ.