Mười năm vẫn “nóng”

Đời sống - Ngày đăng : 06:16, 07/07/2012

Cả nước còn 47.761 vụ khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết, trong đó có trên 500 vụ tồn đọng lâu, phức tạp *Công khai nội dung, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo


Sau 10 năm triển khai thực hiện, tình trạng KNTC kéo dài, đông người, vượt cấp vẫn là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, kinh tế xã hội trên địa bàn nông thôn. Ngày 6-7, Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam đã tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị.

Thu hồi đất nông nghiệp cần có lộ trình, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và thời gian cụ thể. Ảnh: Thu Giang


Việc tạo điều kiện cho nông dân (ND) tham gia giải quyết KNTC là chủ trương đúng, phù hợp với ý Đảng, lòng dân. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đã phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Trên 70% số vụ việc KNTC liên quan đến thu hồi đất đai, bồi thường GPMB. Những vụ nổi cộm như Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên)… Theo bà Đoàn Thị Kim Xuân, Phó ban Kiểm tra HND TP Hà Nội, Hà Nội là địa phương có diện tích thu hồi đất nông nghiệp cho đô thị và công nghiệp lớn trong cả nước. Các huyện ven đô như Từ Liêm, Gia Lâm, Hoài Đức… số lượng hội viên, ND tham gia KNTC cao. Trung bình mỗi năm, HND Hà Nội nhận được khoảng 600 đơn thư KNTC…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sẽ sửa đổi Luật Đất đai
Để hạn chế việc KNTC, Nhà nước sẽ sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tăng hạn điền, tăng thời gian giao quyền sử dụng đất cho ND từ 30 đến 50 năm… Các cấp HND phải là cầu nối tuyên truyền, giải thích để hội viên, ND hiểu được đất đai là quyền sở hữu quốc gia, không phải của cá nhân, tập thể nào.

Trong 10 năm qua, HND các cấp đã tham gia cùng các cấp chính quyền, ngành thanh tra tiếp 350.111 lượt hội viên, ND; đã giải quyết 302.350 vụ việc KNTC của ND. Tuy nhiên, vẫn còn 47.761 vụ tồn đọng trong đó có trên 500 vụ việc phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn xã hội cần giải quyết ngay.

Nguyên nhân của tình hình KNTC ngày một phức tạp, Trưởng phòng Tiếp dân Thanh tra Chính phủ Phan Văn Hải cho rằng, do một số quy định của pháp luật còn những điểm bất cập, chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chưa phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó công tác điều hành và quản lý nhà nước ở một số địa phương còn nhiều yếu kém, nhất là công tác quản lý đất đai. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ND hạn chế nên có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng hoặc vượt quá quy định của pháp luật, thậm chí ngộ nhận và dễ bị lợi dụng, kích động… Chủ tịch HND Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho rằng: Công tác tiếp dân, tiếp nhận KNTC của ND ở một số nơi còn chưa tốt, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất. Việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục ND còn hình thức.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, để giải quyết KNTC đạt kết quả cần tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, ND. Ngành tư pháp cần tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động tại cộng đồng thôn, ấp, bản làng; xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống CLB nông dân với pháp luật. HND các cấp chủ động đề xuất cử đại diện tham gia ngay từ đầu việc giám sát thực hiện các dự án có thu hồi nhiều diện tích đất nông nghiệp. Các bộ, ngành có liên quan tổng hợp các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, thành lập các tổ công tác về địa phương để tập trung giải quyết, nhất là những vụ việc có liên quan đến đất đai. Trong quá trình giải quyết phải làm rõ nguyên nhân phát sinh, tồn đọng, kéo dài vụ việc, mời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, luật sư tham gia giải quyết; tổ chức đối thoại công khai, xem xét đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế của vụ việc để có biện pháp giải quyết có lý, có tình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Khiếu kiện, khiếu nại trong ND đang là vấn đề lớn cần giải quyết. Đối với các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, nhạy cảm, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, các cơ quan chức năng có ý kiến khác nhau thì chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, giải quyết; dành thời gian thích đáng trực tiếp gặp và đối thoại với dân, lắng nghe dân, thực sự "gần dân, hiểu dân", kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật những phản ánh, kiến nghị, KNTC của dân trên tinh thần "dân chủ, dân chủ hơn nữa. Kỷ cương, kỷ cương hơn nữa".

Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Bộ TN&MT biên soạn 100.000 cuốn sổ tay pháp luật cho ND; 4.954 câu lạc bộ ND với pháp luật thu hút gần 153.000 thành viên tham gia; xây dựng 1.228 mô hình điểm ND thực hiện Chỉ thị 26 gắn với tham gia Pháp lệnh Dân chủ cơ sở. Qua đó, HND các cấp đã trực tiếp hòa giải thành công 194.098 vụ việc và tham gia với các ngành, đoàn thể ở cơ sở hòa giải thành công 541.187 vụ việc góp phần bảo đảm trật tự xã hội ở nông thôn.

Bạch Thanh