Khẩn cấp giải cứu ngành chăn nuôi

Kinh tế - Ngày đăng : 05:59, 07/07/2012

Ngành chăn nuôi thiệt hại 2.000 tỷ đồng/tháng *Dự báo thiếu nguồn cung thực phẩm những tháng cuối năm (HNM) - Cuộc họp bàn biện pháp giải cứu ngành chăn nuôi diễn ra ngày 6-7 tại TP Hồ Chí Minh do Hội Chăn nuôi Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức đã


Các chuyên gia nhận định, nếu không có giải pháp "giải cứu" kịp thời, người chăn nuôi lâm nguy, trang trại đứng trước nguy cơ phá sản dẫn đến nguồn cung thực phẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nếu không giải cứu kịp thời, nhiều trang trại lớn sẽ phá sản. Ảnh: Ngô Sơn


Cung vượt cầu

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá các sản phẩm chăn nuôi đã xuống mức thấp kỷ lục trong hai năm trở lại đây. Khảo sát tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, giá thịt lợn hơi tháng 1-2012 dao động 47.000-53.000 đồng/kg, thì đến những ngày đầu tháng 7 giảm xuống 34.000-39.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất cho 1kg từ 44.000 đồng đến 46.000 đồng. Như vậy, cứ một con lợn xuất chuồng thời điểm này sẽ lỗ khoảng 600.000-1.000.000 đồng. Tương tự, gà lông màu cũng giảm từ 43.000-45.000 đồng/kg xuống 35.000-36.000 đồng/kg (giảm 20%); gà công nghiệp từ 37.000-39.000 đồng/kg xuống 25.000-26.000 đồng/kg (giảm 34%).

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, thiệt hại của ngành chăn nuôi ở thời điểm hiện tại đang ở mức 2.000 tỷ đồng/tháng. "Nhiều khả năng tình trạng này còn kéo dài tới tháng 9 đối với chăn nuôi lợn và đến tháng 8 đối với chăn nuôi gia cầm, thiệt hại có thể tới con số 5.000 tỷ đồng/tháng trong 2 đến 3 tháng tiếp theo" - ông Nguyễn Đăng Vang dự báo.

Nguyên nhân? Các chuyên gia và nhà doanh nghiệp đều nhận định do cung vượt cầu khi ở thời điểm từ tháng 3 đến tháng 8-2011, giá thành cao đã kích thích sản xuất vượt so với nhu cầu. Trong khi đó, nền kinh tế trong nước và thế giới đang trong giai đoạn khó khăn, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, đặc biệt mức tiêu thụ tại bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp giảm 25%-30% so với cùng kỳ. Thêm nữa, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), do dư âm của tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi khiến người tiêu dùng e ngại; dịch bệnh lợn tai xanh vẫn diễn biến phức tạp, chưa kiểm soát được; tình trạng nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, nhất là gà đẻ thải loại vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ…

"Cứu" người chăn nuôi


Ngành chăn nuôi đang thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng/tháng.

Để nhanh chóng giảm áp lực cho người chăn nuôi, hội nghị đã thống nhất giải pháp trước mắt là giảm nguồn cung. Trong đó, đối với hộ gia đình chuyển khoảng 15% lợn cai sữa sang làm lợn sữa quay; đối với cơ sở giết mổ áp dụng quy trình cấp đông sâu để lưu trữ thịt trong 3-4 tháng nhằm giảm nguồn cung ra thị trường. Hội Chăn nuôi cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ hỗ trợ 1.170 tỷ đồng từ gói hỗ trợ chăn nuôi để giảm giá thức ăn chăn nuôi thông qua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế nhập khẩu nguyên liệu; hỗ trợ vay tín dụng với lãi suất giảm 6%/năm (kỳ hạn 6 tháng)…

Về lâu dài, theo ông Nguyễn Đăng Vang, cần thúc đẩy chăn nuôi quy mô lớn, trong đó doanh nghiệp cùng nông dân hình thành liên minh sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý. Mặt khác, thị trường chăn nuôi vẫn thiếu sự liên kết gây bất lợi cho người chăn nuôi và đây chính là nguyên nhân căn bản, sâu xa khiến giá cả không ngừng biến động. Trong khi đó, nếu thị trường liên thông với nhau, giá sẽ thay đổi cùng nhịp, giúp vận hành nhịp nhàng, nhất là khi có biến động về giá. Ngoài ra, cũng cần quan tâm thích đáng đến đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu dự báo thị trường, kế hoạch, quy hoạch…

Nam Phong