Vấn đề nan giải: quản lý di dân

Đời sống - Ngày đăng : 05:54, 07/07/2012

(HNM) - Lần đầu tiên, Bộ Tư pháp phối hợp với UBND TP Hà Nội lấy ý kiến phản hồi của các chuyên gia, các nhà khoa học về lĩnh vực quản lý dân cư trong dự án Luật Thủ đô mới nhất - công bố đầu tháng 7 này.


Đề xuất Ban soạn thảo đưa ra là tiếp tục chi tiết hóa, nâng điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành, bởi với tiến độ hiện nay, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 13-14 triệu người, gần gấp đôi quy hoạch chung phát triển Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt.


Hiện nay, mật độ dân số trong khu vực nội thành Hà Nội đang quá tải trầm trọng.Ảnh: Như Ý

Trong dự thảo Luật Thủ đô công bố ngày 2-7-2012, điều kiện quản lý dân cư nội thành đã chi tiết, chặt chẽ hơn so với dự thảo trước đó (6-2012). Điểm nổi bật là nâng thời hạn tạm trú liên tục từ 2 năm lên 3 năm. Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú nhằm tránh tình trạng công dân tạm trú một nơi nhưng lại đăng ký thường trú một nẻo, gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư. Đồng thời, người muốn đăng ký thường trú phải có thu nhập bảo đảm cuộc sống hoặc có việc làm ổn định nếu đang trong độ tuổi lao động.

Lý giải về thay đổi này, Bộ Tư pháp khẳng định, về mặt pháp lý, Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội năm 2000 đã trao thẩm quyền cho HĐND, UBND TP Hà Nội ban hành các quy định về quản lý di dân. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện gặp không ít vấn đề vì Luật Cư trú năm 2006 đã mở rộng quyền tự do cư trú của công dân, nới lỏng điều kiện đăng ký thường trú, vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền ban hành và thực hiện các quy định kiểm soát dân cư của HĐND và UBND TP Hà Nội. Điều này dẫn đến nhập hộ khẩu vào nội thành trở lên quá dễ dãi. Theo GS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của Hà Nội là 1,3%/năm, di cư là nguyên nhân đáng kể làm cho Thủ đô "phình người". Từ 3,7 triệu người năm 1979, nay Hà Nội có khoảng 6,9 triệu dân, sự phân bố mang hình chiếc gáo, có sự tương phản sâu sắc: Đầu to, đuôi nhỏ. Trong đó, dân số quận Đống Đa vào hàng cao nhất nước. Nơi thấp nhất là huyện Ba Vì, tuy là khu vực miền núi nhưng mật độ người nơi này vẫn "siêu cao" (259 người/km2), gấp đôi mật độ dân số trung bình của cả nước.

Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc CA TP Hà Nội cho biết, sức ép về số lượng người nhập cư vào Hà Nội tăng quá nhanh so với mức độ và tốc độ cải thiện cơ sở hạ tầng của TP, tác động mạnh đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, giao thông đô thị và bảo vệ môi trường, đặc biệt là khu vực nội thành... Nếu cứ theo đà này, đến năm 2020, dân số Hà Nội sẽ vào khoảng 13-14 triệu người, gần gấp đôi quy hoạch chung phát triển Thủ đô Thủ tướng đã phê duyệt.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cùng chung nhận định này cho rằng, việc quy định điều kiện đăng ký ở nội thành như Dự thảo Luật Thủ đô là chưa hợp lý, chưa phải là thể chế đặc thù để giải quyết việc giảm dân ở nội đô. TS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị cho phép UBND TP Hà Nội có biện pháp ưu tiên để khuyến khích giãn dân tự nguyện, thu hồi đất đai từ việc di dời các trường đại học, cơ sở công nghiệp... để xây dựng các công trình công cộng; việc đăng ký thường trú tại nội thành phải được HĐND, UBND TP chấp thuận. Mặt khác, cũng cần đặt vấn đề quản lý quy hoạch trong Luật Thủ đô.

Trong khi đó, GS Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và pháp luật lo ngại, nếu áp những đề xuất của Bộ Tư pháp vào thực tế, có thể xảy ra trường hợp chạy chọt, hối lộ để được đăng ký thường trú. Mặc dù vậy, đại diện cơ quan xây dựng Luật Cư trú - GS Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ CA) lại thừa nhận, trách nhiệm của nhà quản lý là tăng chất lượng và điều kiện sống cho người dân. Ở đây, dự thảo Luật Thủ đô chỉ quy định chặt chẽ với một số đối tượng đăng ký thường trú tại nội thành chứ không "cào bằng" với tất cả mọi người. Thực chất là đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp theo hướng vừa bảo đảm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu an sinh xã hội của đa số người dân đang sinh sống ở nội thành, đồng thời cũng hạn chế được những bức xúc tồn tại do việc tập trung dân cư quá đông ở khu vực nội thành Hà Nội hiện nay. Vì vậy, nên có cái nhìn hài hòa khi đánh giá về điều kiện nhập cư của Luật Thủ đô. Sắp tới, Bộ CA sẽ đề xuất sửa Luật Cư trú. Theo đó, tại các TP trực thuộc TƯ đều rất cần bổ sung điều kiện đăng ký thường trú theo hướng của Hà Nội, Bộ Tư pháp đề xuất. Ngoài ra, còn quy định thêm, mỗi trường hợp được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào phải có chỗ ở tối thiểu 5m2/người.

Như vậy, với quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội trong Luật Thủ đô và định hướng sửa đổi Luật Cư trú có điểm tương đồng, cùng hướng tới mục tiêu để Thủ đô Hà Nội phát triển ổn định, xứng đáng với vai trò, vị trí là đô thị trung tâm, đầu não của cả nước.

Hà Phong