Người châu Á chi mạnh cho học thêm

Giáo dục - Ngày đăng : 10:23, 06/07/2012

Một nghiên cứu vừa công bố cho thấy các bậc phụ huynh châu Á ngày càng mạnh tay chi hàng tỷ USD cho con cái học thêm và xu hướng đó đang gia tăng bất chấp có không ít ngờ vực về hiệu quả của việc


Theo Trung tâm nghiên cứu giáo dục thuộc Đại học Hồng Kông ở Khu Hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc), dạy thêm đang ở thành một ngành nghề phát đạt, liên tục mở rộng không chỉ ở những nước giàu mà thậm chí ở cả các nước nghèo trong khu vực khi những người làm cha làm mẹ cố gắng cho con cái được hưởng một sự khởi đầu tốt nhất.

Gần 9/10 học sinh tiểu học Hàn Quốc có gia sư trong khi con số này với học sinh tiểu học ở bang Tây Bengal của Ấn Độ cũng lên đến 6/10. Nghiên cứu nhấn mạnh: "Tỷ lệ ở các nước khác thấp hơn, song tình hình chung ở châu Á là hình thức giáo dục này đang lan rộng ngày càng mạnh mẽ". Nghiên cứu kêu gọi cần xem xét lại tất cả các hệ thống giáo dục để việc dạy thêm, học thêm không còn lôi kéo các gia đình như vậy.

Phụ đạo nhằm mục đích giúp những học sinh chậm tiến và hỗ trợ các em hướng tới thành tích cao. Hình thức này đang được nhiều phụ huynh châu Á coi là một cách tích cực để tận dụng thời gian rảnh rỗi của con cái. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, dồn hết cho học hành như vậy sẽ khiến trẻ em không có thời gian cho thể thao hay các hoạt động khác vốn quan trọng cho phát triển toàn diện. Không những thế, nó còn gây ra căng thẳng xã hội khi các gia đình giàu có đủ lực tài chính để cho con cái được hưởng chất lượng giáo dục tốt hơn hẳn.

Ước tính chi phí cho gia sư ở Hàn Quốc tương đương tới 80% ngân sách chính phủ chi cho giáo dục công. Năm 2010, người Nhật Bản bỏ ra 12 tỷ USD cho con cái học thêm, còn ở Singapore, con số này năm 2008 là 680 triệu USD. Khu Hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc) là nơi mà trào lưu dạy thêm, học thêm diễn ra rầm rộ với 85% số học sinh phổ thông trung học.

Nhưng theo nghiên cứu, dù dạy thêm học thêm trở thành trào lưu rộng rãi như vậy, hiệu quả lại không phải là tốt đẹp toàn diện. Phần lớn phụ thuộc không chỉ vào động lực, khả năng của học sinh mà còn vào động lực, khả năng của gia sư. Ở nhiều nước, người ta trở thành gia sư mà không qua đào tạo và tính hiệu quả của một số dạng phụ đạo là đáng ngờ.

Nghiên cứu kêu gọi chính quyền cần giám sát chặt chẽ và quy định cụ thể với ngành đặc biệt này, cũng như cần đánh giá lại các hệ thống giáo dục ở châu Á: "Cần đặt ra câu hỏi tại sao dạy thêm học thêm lại trở thành hàng đầu như vậy và cần làm gì để phụ đạo không còn là thứ tất yếu mà các phụ huynh khao khát con cái được hưởng"./.

Phương Anh