Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran: Đối đầu ở Hormuz
Thế giới - Ngày đăng : 07:31, 06/07/2012
Căng thẳng trước và sau vòng đàm phán giữa một bên là Iran và bên còn lại gồm Mỹ và các đồng minh Châu Âu đã đẩy cuộc đối đầu ở eo biển Hormuz đến giới hạn nguy hiểm.
Iran bắn thử tên lửa đạn đạo Shahab-3 trong cuộc tập trận “Nhà tiên tri vĩ đại 7” tại eo biển Hormuz đã làm căng thẳng thêm cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nước này.
Đáp lại lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) với Iran, có hiệu lực từ ngày 1-7, ngày 2-7, Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran đã soạn thảo một dự luật kêu gọi đóng cửa eo biển Hormuz trên Vịnh Persian. Theo nghị sĩ Quốc hội Iran Ebrahim Agha-Mohammadi, đóng cửa eo biển Hormuz là nhằm ngăn các tàu chở dầu vận chuyển dầu thô tới những nước ủng hộ lệnh trừng phạt của EU. Ngay sau động thái này, ngày 3-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố, Washington sẽ làm tất cả để ngăn chặn nguy cơ tuyến đường trung chuyển dầu lửa chiến lược của thế giới bị đóng. Cùng những tuyên bố cứng rắn, Mỹ tiếp tục triển khai thêm các lực lượng mới tới vùng Vịnh và không loại trừ khả năng một cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Iran trong trường hợp xảy ra leo thang quân sự trong khu vực. Theo đó, hải quân Mỹ đã tăng gấp đôi số tàu rà phá thủy lôi tới vùng Vịnh lên 8 chiếc. Máy bay tàng hình F-22 và máy bay chiến đấu F-15C cũng đã đáp xuống các căn cứ trong khu vực để củng cố lực lượng tấn công của Mỹ ở vị trí trọng yếu này... Quân đội Mỹ hiện có căn cứ trên hầu khắp khu vực Vịnh Persian và duy trì khoảng 40.000 binh sĩ tại đây.
Đáp lại, ngày 4-7, Tehran đã đưa ra lời đe dọa hủy diệt các căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp Trung Đông và đáp trả Israel chỉ trong vòng vài phút nếu bị tấn công. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) đang kéo dài cuộc tập trận "Nhà tiên tri vĩ đại 7" cả trên bộ lẫn trên biển sang ngày thứ 3 (bắt đầu từ 2-7) với các vụ bắn thử tên lửa đạn đạo Shahab-3 có tầm bắn tới 2.000km. Tehran cũng đang có kế hoạch sớm trang bị cho các tàu hoạt động trên eo biển Hormuz loại tên lửa tầm bắn ngắn hơn. Trước đó, trong cuộc tập trận này, IRGC cũng đã thử nghiệm máy bay tấn công không người lái (UAV)... Đây được xem là câu trả lời rõ ràng của Tehran nhằm cảnh báo phương Tây về ý định tấn công Iran.
Đây không phải là lần đầu tiên Iran lên tiếng dọa đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz. Năm 2011, Tehran cũng đã dọa đóng eo biển này nếu Mỹ và các đồng minh Châu Âu siết chặt trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran. Thực tế, cửa eo biển Hormuz - nơi trung chuyển tới 17 triệu thùng dầu mỗi ngày - bị đóng không chỉ khiến các nước phương Tây quan ngại mà còn thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng quốc tế. Về địa - chiến lược, Hormuz nối Vịnh Persian với vùng biển Arab, là một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới dành cho việc xuất khẩu các sản phẩm dầu và dầu lửa của các nước vùng Vịnh. Do đó, cửa eo biển này bị khóa sẽ không chỉ khiến giá dầu trên thế giới chao đảo mà còn gây những hệ lụy khôn lường khi nền kinh tế của nhiều quốc gia còn chưa thoát khỏi cơn bĩ cực.
Một cuộc chiến mới tại Trung Đông nổ ra không được ai chờ đợi vì những tác động khủng khiếp mà cuộc chiến có thể gây ra. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ đó ngày càng lộ rõ. Chính quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad vẫn quyết theo đuổi tham vọng sở hữu hạt nhân nhằm mục đích hòa bình và dân sự. Tuy nhiên, điều này không dễ nhận được cái "gật đầu" từ Mỹ và các đồng minh Châu Âu.