Thúc đẩy hợp tác hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc
Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 06/07/2012
- Thưa ông, thời gian qua Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu các mặt hàngnông - thủy sản lớn của Việt Nam. Vậy, lý do nào khiến Hàn Quốc lại chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này sang Việt Nam?
- Thời gian qua Việt Nam xuất sang Hàn Quốc nhiều mặt hàng thủy - hải sản, cà phê, nấm rơm, dừa trái… Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu khoảng 50.000 tấn gạo/năm và đang xem xét mua gạo từ Việt Nam, bởi người Hàn Quốc rất thích các giống gạo thơm, dẻo, không gãy vụn. Người Hàn Quốc ưa chuộng những sản phẩm nông - thủy sản của Việt Nam không chỉ vì chất lượng tốt mà giá thành lại rẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Chính phủ Hàn Quốc cũng muốn đẩy mạnh quảng bá và xuất khẩu những mặt hàng nông - thủy sản chất lượng sang Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, với những mặt hàng bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của Hàn Quốc, người tiêu dùng Việt Nam sẽ yêu thích và tin dùng. Mặc dù Hàn Quốc là nước xuất khẩu lớn hàng công nghiệp sang Việt Nam, nhưng dự kiến vào ngày 19-7 tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cử một đoàn tiền trạm sang Việt Nam để đẩy mạnh việc nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam.
- Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vì sao AT lại chọn Việt Nam để xúc tiến xuất khẩu chứ không phải là thị trường nào khác?
- Việt Nam là quốc gia nằm ở cửa ngõ chiến lược của khu vực Đông Nam Á (ASEAN), nơi thuận tiện cho giao lưu thương mại. Việt Nam cũng là nước có nhiều tiềm năng phát triển thương mại mậu dịch để thúc đẩy xuất khẩu, vì thế AT chọn Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu hàng nông - thủy sản của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều nét văn hóa tương đồng, không riêng gì trong lĩnh vực ẩm thực. Là một nền kinh tế đang phát triển, tôi tin rằng Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung, xuất khẩu nông - thủy sản nói riêng.
- Để thúc đẩy xuất khẩu nông - thủy sản vào Việt Nam, đâu là khó khăn với các doanh nghiệp Hàn Quốc?
- Khó khăn thứ nhất là bất đồng ngôn ngữ mặc dù có phiên dịch. Thứ hai, Việt Nam chưa có nhiều công ty nhập khẩu lớn để có thể phân phối các sản phẩm, hàng hóa của Hàn Quốc với số lượng lớn. Mục đích của chúng tôi là làm thế nào để giới thiệu một cách hiệu quả nhất đến người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm của Hàn Quốc, tuy nhiên số lượng các nhà phân phối Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí này lại không nhiều, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, việc quảng bá, các tiêu chuẩn về thị trường như thế nào cũng là khó khăn với chúng tôi.
- Vậy AT đã có giải pháp nào giúp Chính phủ cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua khó khăn này?
- Với vai trò là cơ quan chuyên hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu hàng nông - thủy sản của Hàn Quốc ra nước ngoài, chúng tôi đang trình lên Chính phủ bản đề án chiến lược xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Hy vọng rằng sau chuyến thăm Việt Nam lần này, chúng tôi sẽ tìm ra cách xúc tiến xuất khẩu hàng nông - thủy sản của Hàn Quốc sang Việt Nam hiệu quả nhất.