Lượng tăng, mũi nhọn không tăng
Thể thao - Ngày đăng : 06:38, 06/07/2012
Chưa bao giờ thể thao Việt Nam có hơn 10 VĐV được tham dự Olympic bằng suất chính thức. Đáng kể nhất, chưa bao giờ điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ có VĐV góp mặt theo suất chính thức. Mà những môn trên là minh chứng biểu hiện sự phát triển thể thao đỉnh cao mỗi quốc gia.
Ngoài suất của Judo mang hơi hướng đặc cách, còn lại có tới 15 VĐV (chưa kể điền kinh) đã đủ chuẩn dự Olympic 2012. Hàng loạt môn lần đầu có VĐV đạt chuẩn Olympic gồm thể dục dụng cụ, bơi lội, bắn súng, rowing, đấu kiếm, vật. Trong các môn thuộc diện "lần đầu" kia phải kể đến thể dục dụng cụ có tới 3 VĐV (Phan Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Đỗ Thị Ngân Thương). Điền kinh lần đầu có 2 VĐV đạt chuẩn B Olympic (Nguyễn Thanh Phúc, đi bộ; Dương Việt Anh, nhảy cao). Bắn súng có 2 xạ thủ vượt qua vòng loại (Hoàng Xuân Vinh, Lê Thị Hoàng Ngọc). Ngay đến môn vật cũng kịp góp mặt lần đầu theo diện chính thức nhờ sự xuất sắc của đô vật Hà Nội Nguyễn Thị Lụa. Rowing, đấu kiếm lại mang đến những bất ngờ thú vị khi cũng có VĐV vượt qua vòng loại Olympic. Đấu kiếm có Nguyễn Tiến Nhật trong khi rowing có bộ đôi Phạm Thị Thảo - Phạm Thị Hải… Những môn thế mạnh khác vẫn giữ được số lượng VĐV tham dự theo diện chính thức như cử tạ, Taekwondo (cùng 2 VĐV).
Ngần ấy VĐV ở hàng loạt môn thể thao cơ bản vượt qua vòng loại Olympic đủ khiến các nhà quản lý thể thao Việt Nam hài lòng. Tất nhiên, phía sau thành công vẫn có sự nuối tiếc. Đấy là Hoàng Quý Phước đã đạt đến 2 chuẩn B Olympic nhưng vẫn không thể giành vé chính thức do cự ly của Phước có quá nhiều cao thủ. Điền kinh có thể vui mừng với việc có 2 VĐV đạt chuẩn B nhưng những người được kỳ vọng nhất lại đứng ngoài cuộc. Ngay như bộ môn cử tạ, dù có thêm một suất nữ dự Olympic vào phút chót nhưng cũng phải trải qua những giây phút thất vọng sau vòng loại Olympic khu vực Châu Á. Sự tính toán không chuẩn của Ban huấn luyện đã khiến cử tạ nữ Việt Nam suýt mất vé dự Olympic. Chỉ nhờ một VĐV Malaysia bị dương tính với doping mà cử tạ nữ Việt Nam mới có một suất dự Olympic 2012.
Từ nhiều năm nay, mũi nhọn giành huy chương Olympic của thể thao Việt Nam chỉ dồn vào Taekwondo hoặc cử tạ. Hai kỳ Olympic gần đây, Taekwondo không làm nên chuyện và cứ theo thực lực của những võ sĩ dự Olympic kỳ này thì Lê Huỳnh Châu, Chu Hoàng Diệu Linh khó làm nên chuyện. Tất cả chỉ còn trông vào cử tạ với một Trần Lê Quốc Toàn đã vào nhóm 4 lực sĩ mạnh nhất thế giới hạng 56kg. Ngoài ra chẳng còn ai, kể cả những VĐV thể dục dụng cụ vừa giành huy chương ở giải vô địch thế giới cũng như một số giải quốc tế khác. Vì thế, có thể nói qua vòng loại Olympic, mũi nhọn giành huy chương Olympic của thể thao Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, xem ra vẫn chỉ gói niềm hy vọng ở mỗi cử tạ. Điều đó thật đáng tiếc!