Đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin: Đang thiếu cơ chế

Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 05/07/2012

(HNM) - Một người dân cần thông tin về quy hoạch để mua đất nhưng bị UBND quận từ chối, giải thích đó là thông tin nội bộ; một cơ quan bảo hiểm đến Sở KH&ĐT tìm hiểu dữ liệu về doanh nghiệp và được hẹn miệng… một tháng nữa có kết quả; lạm dụng văn bản đóng dấu "mật". Đó là bức tranh  phản ánh về nhu cầu tiếp cận thông tin (TCTT) của người dân, tổ chức và các điều kiện bảo đảm hiện nay.

Cần nâng cao trình độ, nhận thức cho cán bộ, công chức để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Ảnh: Thu Giang


Dấu “mật” bị lạm dụng

Khảo sát của Bộ Tư pháp cho thấy, tại nhiều địa bàn trên cả nước, người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn ít có cơ hội TCTT. Nhiều ý kiến còn cho rằng, mặc dù các chương trình của Nhà nước đầu tư cho TCTT cơ sở đã được giao cho nhiều bộ, ngành khác nhau triển khai nhưng còn bất cập về hiệu quả. Hiện nay, không ít tài liệu lưu trữ có nội dung mật nhưng không được đóng dấu "mật", ngược lại có tài liệu lưu trữ nội dung không còn mật nhưng không có cơ chế để giải mật nên việc khai thác, sử dụng tài liệu gặp nhiều khó khăn. Dấu "mật" đang có xu hướng bị lạm dụng tại một số cơ quan hành chính từ cấp quận, huyện, ban, phòng đến sở, ngành không theo một quy định nào. Cứ tài liệu nào địa phương muốn "ém", xử lý nội bộ liền sử dụng dấu "mật" và coi dấu "mật" là "hàng rào" ngăn cản mọi đối tượng muốn TCTT. Nào là báo cáo tổng kết "mật", lịch tuần "mật", thư mời họp "mật", kết luận thanh tra "mật" và rất nhiều văn bản khác thuộc lĩnh vực xã hội, dân sinh cũng được dùng dấu "mật".

Hà Nội là nơi đóng trụ sở của các cơ quan TƯ, tập trung các cơ quan đại diện nước ngoài, hàng trăm nghìn doanh nghiệp cùng nhiều tổ chức cả trong và ngoài nước, nên nhu cầu TCTT của công dân, tổ chức theo đó ngày càng gia tăng về số lượng, đa dạng về lĩnh vực, yêu cầu cao về tính minh bạch. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực gắn bó thiết thực đến cuộc sống hằng ngày như: đất đai, nhà ở, đăng ký hộ khẩu, kê khai thuế, đăng ký kinh doanh, khai sinh, đăng ký kết hôn, giáo dục, y tế, lao động - thương binh và xã hội, khiếu nại hành chính. Tuy nhiên, việc đáp ứng yêu cầu chính đáng, thiết thực này cho người dân cũng còn hạn chế.

Giải quyết mang tính chủ quan

Là khẳng định của đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội. Cơ quan này cho biết, pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể rõ ràng tài liệu nào được cung cấp, tài liệu nào không được cung cấp nên bản thân CBCC cũng lúng túng, bị động trong việc xử lý các yêu cầu cung cấp thông tin của người dân, doanh nghiệp. Các hoạt động liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường lại thường mang tính nhạy cảm nên việc giải quyết yêu cầu cung cấp hồ sơ của tổ chức, cá nhân cũng mang tính chủ quan nhiều hơn. Nhất là trong trường hợp cùng một dữ liệu liên quan đến lĩnh vực nhà đất mà có nhiều đối tượng có nhu cầu tiếp cận khác nhau như cá nhân, hộ gia đình, văn phòng luật sư, tòa án, viện kiểm sát...

Trong lĩnh vực đầu tư, cơ chế cung cấp càng nhỏ giọt. Cán bộ pháp chế của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt từng đến Sở KH&ĐT Hà Nội tìm hiểu thông tin liên quan đến một đơn vị là khách hàng của họ… nhưng cơ quan này khất lần, lúc thì kêu "bận", khi lại trả lời miệng "một tháng nữa mới có kết quả". Sau nhiều lần gặp cảnh đón tiếp không niềm nở ấy, doanh nghiệp này đã dùng quan hệ riêng, gặp "cửa" khác để lấy dữ liệu. Thực tế trên cho thấy, nếu không có sự ràng buộc về mặt trách nhiệm, không đưa ra chế tài xử lý các trường hợp cơ quan nhà nước không thực hiện đúng quy định cung cấp thông tin, hoặc cung cấp thông tin không đúng, không chính xác cho cá nhân, doanh nghiệp thì quyền được TCTT của người dân sẽ gặp rào cản.

Theo ông Tạ Mai Vũ, Phó Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Hà Nội, chế tài cung cấp thông tin còn nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Mỗi văn bản lại chỉ điều hành việc TCTT ở một lĩnh vực nhất định, lại thiếu rõ ràng. Các giấy tờ hướng dẫn, hỗ trợ cho việc thực hiện thủ tục hành chính sao cho thuận tiện rất hiếm khiến việc TCTT của người dân, doanh nghiệp bị hạn chế.

Việc Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên làm lúc này là chung tay lấp kẽ hở đó. Đồng thời, cần rà soát tất cả các văn bản của Nhà nước liên quan quy định bảo mật, hạn chế bảo mật những thông tin không cần bảo mật để làm xã hội chúng ta cởi mở hơn. Bởi xét cho cùng, tính công khai, minh bạch của xã hội bị hạn chế không phải do bị chi phối bởi một thể chế nào mà do trình độ phát triển còn thấp, thiếu cơ sở pháp lý, nhận thức về công khai, minh bạch của các công chức còn yếu.

Luật sư Nguyễn Ngọc Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội: Trong tương lai, khi xây dựng luật về quyền TCTT, có thể phải sửa chữa một số điều của Luật Xử phạt hành chính. Chẳng hạn, nếu cung cấp thông tin theo yêu cầu quá hạn thì phải chịu phạt tiền như đối với trường hợp không đội mũ bảo hiểm, tùy mức độ thiệt hại. Nhiều quốc gia đã áp dụng hình thức này. Từ chế tài nghiêm sẽ tạo ra văn hóa - sự tự giác của công chức, người dân.

Hà Phong