Triển khai kế hoạch phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020
Chính trị - Ngày đăng : 14:00, 04/07/2012
Làm việc trong một ngày, Hội nghị tập trung thảo luận, bàn biện pháp triển khai kế hoạch của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; đánh giá công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2012.
Theo dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị do UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh trình bày, trong 10 năm tới, Hà Nội sẽ huy động mọi tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực để xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Hà Nội phấn đấu đi đầu, về đích sớm 1-2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với mục tiêu này, trong giai đoạn 2011-2020, TP tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là đổi mới mô hình và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của kinh tế Thủ đô với các mũi nhọn là phát triển kinh tế tri thức, các lĩnh vực dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao; phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại… Tiếp đó, Hà Nội tập trung huy động mọi nguồn lực để tạo bước đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung. Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ xứng tầm với thủ đô của một đất nước khoảng 100 triệu dân. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh.
5 giải pháp sẽ được triển khai một cách đồng bộ. Theo đó, TP sẽ tập trung tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết số 11 trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp để thống nhất nhận thức, hành động, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch. Đi đôi với đó là tập trung khai thác các nguồn lực. Dự kiến trong giai đoạn 2011 - 2015 Hà Nội cần khoảng 1.400 - 1.500 nghìn tỷ đồng đầu tư toàn xã hội; con số này ở giai đoạn 2016 - 2020 là 2.500 - 2.600 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, Hà Nội cần triển khai tích cực các giải pháp huy động vốn, trong đó chủ yếu là nguồn nội lực; huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu nhà nước để phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, TP chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế, đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa-thể thao… Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực trình độ cao, đội ngũ nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý, doanh nhân, công nhân kỹ thuật bậc cao, kết hợp với khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước; hoàn thiện và xây dựng mới cơ chế, chính sách; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và hợp tác, liên kết cùng phát triển với các tỉnh, thành phố trong cả nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng Hà Nội thành trung tâm giao dịch quốc tế lớn của cả nước và khu vực.
Với tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiêm túc, các đại biểu đã sôi nổi đóng góp ý kiến cho bản dự thảo kế hoạch và khẳng định, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2011-2020. Dù triển khai thực hiện nghị quyết trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Hà Nội cũng có nhiều thuận lợi. Đó là, Chính phủ đã phê duyệt hai bản quy hoạch quan trọng đối với Thủ đô; Thành ủy đã ban hành 9 chương trình công tác nhiệm kỳ 2010-2015. Hơn nữa, ý thức về trách nhiệm xây dựng Thủ đô cũng như niềm tin và sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước với Hà Nội ngày càng nâng lên, tạo động lực mạnh mẽ để TP phối hợp tốt với các bộ, ngành TƯ và các địa phương hiện thực hóa Nghị quyết. Chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đều đã rõ ràng, vấn đề quan trọng chính là khâu tổ chức thực hiện. Các đại biểu thống nhất cao với 5 nhóm giải pháp Thành ủy đề ra, đồng thời đề nghị TP phải đặc biệt coi trọng thực hiện giải pháp về cơ chế, chính sách để phát huy được các lợi thế so sánh của Thủ đô, nhất là lợi thế về khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất, giá trị kinh tế và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị TP đẩy mạnh cải cách hành chính. Ngoài giảm thiểu thủ tục không cần thiết; nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, TP cần tăng cường phân cấp quản lý cho khối quận, huyện gắn với đào tạo, năng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền. Đặc biệt, cùng với phát triển kinh tế, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, TP cần quan tâm nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, y tế cơ sở; giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước sạch, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô ngày càng được nâng cao.
Thay mặt Thường trực Thành ủy, Phó Bí thư Nguyễn Thế Thảo đã tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, đồng thời làm rõ một số kiến nghị. Phó Bí thư Nguyễn Thế Thảo cho biết, sau hội nghị này, Thành ủy sẽ chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng chương trình cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết số 11 gắn với thực hiện 9 chương trình công tác của Thành ủy, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, thanh lịch.
Chiều nay, hội nghị tiếp tục làm việc, đánh giá công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2012.
Hà Nội phấn đấu trong giai đoạn 2011-2020 xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà, bản sắc dân tộc, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, bảo đảm ổn định vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 11,5-12%/năm; đến năm 2020 GRDP bình quân đầu người 7.100-7.500 USD/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ (55,5-56,5%); công nghiệp - xây dựng (41-42%); nông nghiệp (2-2,5%). 65-70% số trường đạt chuẩn quốc gia; 70-75% lao động qua đào tạo. Đến năm 2020 phấn đấu 2/3 số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Vận tải hành khách công cộng đáp ứng 35-45% nhu cầu đi lại của nhân dân; đảm bảo 100% dân số được sử dụng nước sạch đô thị; khắc phục tình trạng ngập úng trong đô thị trung tâm; diện tích cây xanh đạt 10-12m2/người… |
Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ: Kinh tế trí thức phải là mũi nhọn Với giải pháp về khai thác thế mạnh, tiềm năng của Hà Nội, tôi cho rằng nên lựa chọn kinh tế trí thức và ngành khoa học công nghệ cao để tập trung đầu tư, bởi chúng ta có lợi thế lớn từ các trường ĐH, viện nghiên cứu trên địa bàn. Ngoài ra, cần có sự kết nối kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11 với 9 Chương trình công tác của Thành ủy; phân kỳ nhiệm vụ, ưu tiên thực hiện công trình trọng tâm, trọng điểm, những dấu mốc quan trọng của Thủ đô cần thực hiện trong thời gian tới. Bí thư Quận ủy Long Biên Vũ Đức Bảo: Tận dụng lợi thế về KHCN để phát triển Thủ đô Thời gian qua, các cấp, ngành đã thông qua được nhiều quy hoạch chuyên ngành, với những nhiệm vụ, cơ chế, chính sách cụ thể. Vì vậy, TP cần rà soát các quy hoạch đó để bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện. Đồng thời, tăng cường khai thác các nguồn lực về vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng lợi thế về khoa học công nghệ để phát triển Thủ đô. Đi đôi với đó phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp cho cơ sở, nâng cao hiệu lực của chính quyền các cấp. Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu: Đề nghị cho huyện hưởng 100% tiền đấu giá đất Đối với nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, tôi đề nghị cần tiếp tục rà soát, đối chiếu với cơ chế của TƯ để tránh vướng mắc khi thực hiện. TP cần tiếp tục tăng cường phân cấp cho địa phương, tăng sự chủ động để có thể giải phóng hết năng lực cho cơ sở. Đơn cử như, công tác đấu giá đất, đề nghị cho huyện hưởng 100% tiền đấu giá, tránh tình trạng như hiện nay cấp huyện chỉ chăm chăm thực hiện đấu giá diện tích dưới 5.000m2, bởi nếu diện tích cao hơn lại phải điều tiết về TP. Trong khi đó có các dự án của huyện lại phải xin ngân sách ở trên, thủ tục rất phức tạp. Bí thư Huyện ủy Từ Liêm Lê Xuân Trường: Mạnh dạn đặt chỉ tiêu năm 2020 cơ bản hoàn thành xây dựng NTM Theo mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội có 2/3 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (NTM) là chậm so với tiến độ chung. Theo tôi, nên mạnh dạn đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 cơ bản các xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM để phù hợp với Đề án xây dựng NTM của quốc gia. Để làm được điều đó, TP cần tập trung nguồn lực đầu tư dứt điểm hạ tầng khung, các tuyến giao thông chính; có cơ chế thông thoáng trong giải quyết đất xen kẹt để đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng giao thông, xã hội, hoàn thành các tiêu chí của NTM. Bình Yênghi |