Dang dở những đường vành đai ở Hà Nội

Chính trị - Ngày đăng : 08:34, 04/04/2004

Quy hoạch đã muộn, lại  thực hiện chậm

Một con đường mới được xây dựng ở Hà Nội. Ảnh :CTV

Hà Nội có 3 đường vành đai, và dự kiến sau năm 2010 sẽ xây dựng thêm đường vành đai 4. Nhưng đáng buồn là đường nào cũng dở dang, cũng có những điểm ùn tắc giao thông, gây bao nỗi khổ cho người dân, dẫn tới những thiệt hại khó đo đếm được đối với nền kinh tế. Nguyên nhân có nhiều, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là vì chúng ta thiếu một tầm quy hoạch "nhìn xa trông rộng".

Hệ thống đường vành đai có một ý nghĩa rất quan trọng. Như một bộ khung xương, chúng chạy bao quanh thành phố, kết nối với những trục đường hướng tâm hình rẻ quạt, tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, thuận tiện cho phương tiện lưu thông, giải toả ùn tắc, đồng thời làm nên cảnh quan đẹp cho một đô thị hiện đại. Hà Nội (HN) hiện có 3 đường vành đai. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, các đường vành đai ở HN hiện đang là những "điểm nóng" về ùn tắc giao thông, gây khổ cực cho người dân, dẫn tới những thiệt hại về kinh tế và tinh thần khó đong đếm được.


Quy hoạch đã muộn, lại  thực hiện chậm


Tại tất cả các thành phố lớn trên thế giới, quy hoạch đường vành đai thường có ngay từ khi bắt đầu lập quy hoạch thành phố. Hay nói cách khác, là một phần không thể tách rời của quy hoạch thành phố. Đáng tiếc là ở HN lại không được như vậy.

Quy hoạch đường vành đai 1 (VĐ1) HN được xây dựng vào khoảng năm 1997. Các quy hoạch đường vành đai 2 (VĐ2), vành đai 3 (VĐ3) ra đời sau chút ít. Cả 3 dự án dự kiến đều được khởi sự từ những năm cuối của thế kỷ trước, nhằm tiến tới "1000 năm Thăng Long".

Dựa trên hệ thống đường sá cơ bản đã có sẵn, trong điều kiện hạ tầng đô thị HN chắp vá, manh mún, chật chội, nên một điều hiển nhiên là quy hoạch các đường vành đai này chưa thật tốt, và chưa chắc đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của một thành phố 3 triệu dân. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, ngay cả những quy hoạch "muộn màng" này cũng được thực hiện, triển khai rất chậm.

Vành đai 1 - chỉ như đường làng
Theo quy hoạch, đường VĐ1 sẽ rộng từ 54-60m như đoạn đê Nguyễn Khoái đến Đào Duy Anh được mở 4 làn xe, có dải phân cách giữa, như nút giao thông Voi Phục - Cầu Giấy đưa vào sử dụng năm ngoái đã tạo thông thoáng, giải quyết cơ bản nạn ùn tắc giao thông. Nhưng, một số đoạn rục rịch từ vài năm nay, vẫn không triển khai.

Điển hình là đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa dài 1,1km do BQL các dự án trọng điểm TPHN làm chủ đầu tư, lẽ ra khởi công từ tháng 1.2003, gồm 4 làn xe cơ giới và làn xe 2 bên, vỉa hè 5-8m, tổng mặt cắt ngang 50 - 60m, sử dụng vốn vay JBIC Nhật Bản. Nhưng, UBND TPHN có chủ trương phát triển quỹ nhà cao tầng bám theo đường VĐ1 với phạm vi mở rộng lên 140 - 160m đã làm cho dự án chậm, chưa biết được ngày sẽ khởi công.

Cũng VĐ1, đoạn đầu tuyến từ Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái dài 548m do Sở GTCC Hà Nội quản lý, có tổng mức đầu tư 140 tỉ đồng, riêng kinh phí đền bù GPMB khoảng 90 tỉ đồng cho 515 hộ dân, quy mô bề rộng đường khoảng 50m. Theo UBND quận Hai Bà Trưng thì công trình dự định khởi công cuối năm nay, bà con thuộc diện di dời khá thông suốt và có nguyện vọng được chuyển tới khu tái định cư (TĐC) Đền Lừ. Nhưng, nếu theo yêu cầu của Sở Quy hoạch kiến trúc HN, chuyển sử dụng đất hai bên đường giống như đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa để "kinh doanh nhà ở...", thì đoạn tuyến này cũng phải chờ thêm vài năm nữa để... xem xét, lập dự án mới!

Vành đai 2: Khánh thành 2 năm, vẫn... thiếu mặt bằng
Nút giao thông Ngã Tư Vọng trên trục VĐ2 đã khánh thành cầu vượt dịp kỷ niệm "Giải phóng thủ đô" từ năm 2002, nhưng đến tháng 4.2004, các hạng mục liên quan của dự án, gồm: Hầm dành cho người đi bộ, đảo giao thông v.v... vẫn chưa triển khai do thiếu mặt bằng! Cũng thuộc VĐ2, dự án "Ngã Tư Sở" nằm trong dự định "phục vụ SEA Games 22", nhưng cũng vì "không giải phóng được mặt bằng (GPMB)" đành... đợi! Mới đây, Ban QL các dự án trọng điểm TPHN cho biết "đang rất khẩn trương" để có thể khởi công vào quý IV tới.

Vành đai 3: Chuyện như đùa
Chưa hết. Chuyện tưởng đùa mà rất thật với VĐ3 đoạn từ nút Mai Dịch đến Linh Đàm dài 10,1km, khởi công cuối năm 2001, dự định hoàn thành tháng 6.2003 để "kịp phục vụ SEA Games". Nhưng, nếu như không có sức ép từ Chính phủ để "được tạm ứng 100 tỉ đồng của kế hoạch năm 2004, phải có đường sử dụng dịp SEA Games 22" thì có lẽ đến bây giờ cả 4,3km đang khai thác ấy còn dang dở, bởi vì trong kế hoạch năm 2003, không ghi vốn cho dự án này!

Do "ứng trước" để làm nên dù trong kế hoạch năm 2004 có ghi 100 tỉ đồng, nhưng khoản tiền đó chỉ đủ trả nợ năm ngoái. Vì vậy việc dự án "đắp chiếu" từ đầu năm đến nay là chuyện đương nhiên. Thêm nữa, chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua 260 căn hộ chung cư cao tầng để phục vụ cho di dời, GPMB thì TPHN lại "trưng dụng" cho dự án khác, đành bế tắc hoàn toàn.

Tuần cuối tháng 3, Phó Chủ tịch UBND TPHN Lê Quý Đôn đã hỏi chủ đầu tư, chính quyền quận Thanh Xuân rằng: "Bao giờ xong?". Câu trả lời giản đơn, đầy ai oán: "Khi nào có mặt bằng + 12 tháng thi công thì đường sẽ xong".

Hiện trạng các đường vành đai cũng thể hiện "căn bệnh" chung của hạ tầng giao thông HN: Manh mún, lộn xộn, không đáp ứng với tốc độ phát triển, thiếu căn bản các phương tiện vận tải công cộng v.v... Suy cho cùng, cái thiếu lớn nhất là thiếu một quy hoạch tổng thể, hiện đại, thiếu một tầm nhìn xa.

Mấy năm qua, Nhà nước đã đầu tư cải tạo, mở rộng giao thông HN bằng nhiều nguồn vốn lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Vậy mà vốn vẫn thiếu, mặt bằng vẫn thiếu. Bởi các chính sách của HN vẫn còn quá nhiều bất cập, thiếu công bằng, sự chỉ đạo điều hành không kiên quyết, không tập trung./.

Theo Lao Động

TRONGQUANG