Nước thải chưa qua xử lý tràn ra môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 04/07/2012
Sau khi nhận được thông tin của bạn đọc, phóng viên Báo Hànộimới đã xuống hiện trường ghi nhận hiện trạng và làm việc với Ban Quản lý Cụm công nghiệp Phú Thị, Công ty cổ phần Nhôm Đô Thành.
Đường thoát nước bị hở, nước thải tràn ra môi trường.
Ông Lương Văn Tư, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Nhôm Đô Thành lý giải: Năm 2005, công ty có thuê 6.500m2 đất tại Cụm công nghiệp Phú Thị xây dựng nhà xưởng, đầu tư sản xuất nhôm định hình. Cuối năm 2010, công ty mở rộng quy mô sản xuất, thuê thêm 5.000m2 đất (liền kề với nhà xưởng của công ty), đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất. Do có sự "chắp vá" về mặt bằng sản xuất, khiến doanh nghiệp phải xây dựng thêm 70m đường cống dẫn nước và một bể chứa nước thải chưa qua xử lý có dung tích 5m3. Nước thải của dây chuyền sản xuất mới được dẫn thải trực tiếp qua đường cống này, chảy đổ vào bể chứa, sau đó được bơm hút vào xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung bên trong công ty. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, đường cống thoát nước xây thêm đó trục trặc, nước thải bị tắc, buộc công ty phải gỡ một số tấm đan để xử lý, dẫn đến việc nước thải chảy tràn ra môi trường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Trung, cán bộ môi trường Ban Quản lý Cụm công nghiệp Phú Thị cho rằng: Về nguyên tắc, khi xây dựng đường nước thải công nghiệp, doanh nghiệp phải lập đề án bảo vệ môi trường và phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, ngoài việc chưa được phép xây dựng đường cống mới, Công ty cổ phần Nhôm Đô Thành còn lấn chiếm đất của cụm công nghiệp để xây dựng đường nước thải, bể chứa nước thải và để nước thải chưa qua xử lý tràn ra môi trường. Về vấn đề này, ông Trần Quốc Hợp, Phó ban Quản lý Cụm công nghiệp Phú Thị thừa nhận nước thải công nghiệp trong sản xuất nhôm khá độc hại, có chứa a xít, sút... Ban Quản lý Cụm công nghiệp Phú Thị đã lập biên bản, đề nghị doanh nghiệp sớm khắc phục. Chúng tôi không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ báo cáo lên cấp trên.
Hiện tại, Công ty cổ phần Nhôm Đô Thành đã khắc phục bằng cách đậy lại những tấm đan bê tông đã mở ra trước đây. Việc xử lý kiểu chắp vá như vậy đã gây không ít lo lắng cho người dân địa phương, bởi rất có thể một lúc nào đó cống lại bị tắc.