Hệ thống thủy lợi trong mùa mưa bão: “Đến hẹn” lại… lo
Đời sống - Ngày đăng : 06:34, 04/07/2012
Cụm công trình trạm bơm tiêu úng tại xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai. Ảnh: Huyền Linh |
Công trình xuống cấp
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương, mùa mưa bão năm nay sẽ diễn biến phức tạp, thay đổi bất thường và khó dự báo hơn những năm trước. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Nghiêm Xuân Đông cho biết, hiện Hà Nội có 1.164 trạm bơm (TB) với 3.356 máy các loại nhưng các doanh nghiệp thủy lợi mới quản lý 497 TB với 2.132 máy, còn lại do các HTX, xã quản lý và đó là những hạn chế lớn trong phối hợp tiêu úng. Điểm yếu nhất là đa số các TB được xây dựng từ những năm 1970-1980, máy móc xuống cấp, hiệu suất bơm giảm, hiệu quả bơm tiêu thấp, hệ thống điện của nhiều TB đã sử dụng nhiều năm dễ gặp sự cố khi các TB tiêu úng hoạt động dài ngày. Chưa kể hệ thống công trình tiêu thoát nước phục vụ sản xuất và dân sinh, tiêu cho các đô thị còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, bị chia cắt, giảm năng lực tiêu thoát. Một số công trình đầu mối như TB, cống tiêu đã xuống cấp, hư hỏng, cánh cống, phai cống, cửa van cần thay thế. Nhiều hệ thống tiêu lớn đã bị bồi lắng không được nạo vét làm thu hẹp dòng chảy như trục sông Nhuệ, sông Tích, một số khu vực trước đây vẫn tiêu tự chảy nhưng khả năng tiêu ngày càng hạn chế như khu vực Hà Đông, Đông Anh tiêu ra sông Thiếp - Ngũ Huyện Khê, khu vực Gia Lâm tiêu ra sông Cầu Bây. Hệ số tiêu bình quân mới đạt 5-6 lít/s/ha, thậm chí có khu vực chỉ đạt 4 lít/s/ha như huyện Sóc Sơn.
Ngoài ra, tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình ngày càng nhiều, đáng báo động là tình trạng đổ phế thải, phế liệu, lấn chiếm lòng sông, kênh, dựng lều lán... làm thu hẹp dòng chảy, cản trở tiêu úng. Bên cạnh đó một số công trình giao thông thi công chậm tiến độ gây ách tắc dòng chảy trên các trục tiêu chính. Tốc độ đô thị hóa cao làm cho hệ thống công trình thủy lợi bị chia cắt, tạo ra các khu đất xen kẹt không còn hệ thống tiêu khi mưa úng lớn. Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân nhận định, mặc dù đã được đầu tư cải tạo nhưng nguồn kinh phí hạn chế nên hệ thống công trình vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tiêu úng khi mưa lớn xảy ra trên diện rộng.
Đâu là giải pháp?
Theo đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi hiện tại, nếu Hà Nội mưa trên 100mm đến 200mm trong 3 ngày, mặc dù đã vận hành hết công suất các TB nhưng một số diện tích thuộc vùng trũng vẫn phải khoanh vùng "chôn" nước tại chỗ, tiêu dần từ thấp lên cao. Thực tế mùa mưa bão năm 2008, Hà Nội đã rất vất vả chống đỡ với mưa úng trên 200mm gây ngập nhiều điểm trong nội thành và ngoại thành. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Nhã cho biết, trong tiêu úng phải tuân thủ phương châm "4 tại chỗ" phối hợp điều hành đồng bộ giữa tiêu úng nội thành và ngoại thành, khi có dự báo bão cần tiêu kiệt nước đệm trên các kênh mương và phát huy tối đa năng lực tiêu trong đồng ra sông. Khi mưa lớn áp dụng phương án phân vùng và có giải pháp tiêu nước cho từng vùng theo điều hành của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão úng TP. Hiện Hà Nội đã phân ra 3 vùng tiêu lớn là vùng tiêu sông Tích, Thanh Hà (hữu Đáy), vùng sông Nhuệ (tả Đáy) và vùng Bắc Hà Nội thuộc sông Cà Lồ, sông Đuống.
Với hiện trạng công trình thủy lợi như hiện nay, có thể thấy vấn đề chống úng của Hà Nội vẫn là bài toán nan giải. Thực tế khả năng tiêu thoát úng và năng lực công trình vẫn còn không ít bất cập. Kịch bản xấu nhất và nỗi lo lớn nhất khi mưa lớn 250-300mm trong 3 ngày là buộc phải áp dụng biện pháp tình thế, chấp nhận thiệt hại, khoanh vùng, chôn nước, tuân thủ giải pháp an toàn cho những tuyến đê, hồ chứa. Trong bối cảnh này Hà Nội xác định phải hy sinh từ 30.000 đến 35.000ha lúa mùa. Đặc biệt các địa phương nằm trong hệ thống sông Nhuệ, sông Thiếp… khi nước sông dâng cao, uy hiếp sự an toàn tuyến đê thì phương án sơ tán dân, chống tràn, bảo vệ tài sản và tính mạng người dân vẫn là vấn đề nan giải. Khi mực nước sông Nhuệ trên 3,5mm đe dọa nước tràn vào nội thành sẽ áp dụng giải pháp khẩn cấp đóng đập Cần Sa và Cần Đìa, không cho nước thuộc lưu vực này đổ vào sông Nhuệ, chuyển nước tiêu ra sông Đáy, vận hành các TB Yên Sở, Đông Mỹ tiêu bớt nước ra sông Hồng, các TB Tiên Tân, Phương Bảng, Đào Nguyên, Yên Nghĩa tiêu ra sông Đáy. Trong trường hợp đã thực hiện các biện pháp trên, mực nước sông Nhuệ vẫn cao phải tính đến phương án hy sinh một số vùng để tháo nước sông Nhuệ bảo vệ nội thành.
Bảo vệ công trình mùa mưa bão và đề phòng sự cố xảy ra trong điều kiện thời tiết bất thường vẫn là nỗi lo thường trực. Mất cảnh giác, chủ quan và thiếu giải pháp hiệu quả, mưa úng sẽ gây ra những tổn thất khó lường.