Cần nhất là hiệu quả
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:38, 04/07/2012
Đã là ý tưởng thì có thể được triển khai trong thực tế, hoặc không và cái sự "có" hay "không" ấy nằm ngoài ý chí chủ quan, phụ thuộc vào hiệu quả quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật có từ sự xuất hiện của tấm thẻ hành nghề. Mà, điều đó - hiệu quả, đến nay vẫn là một câu hỏi lớn, đặc biệt là sau khi Chính phủ đã bãi bỏ việc áp dụng thẻ hành nghề đối với giới nghệ sĩ từ cách nay khoảng chục năm.
Bây giờ, khi đặt vấn đề ban hành lại quy định áp dụng thẻ hành nghề, câu hỏi duy nhất cần phải trả lời là tấm thẻ ấy có giúp gì cho việc lập lại kỷ cương trong tổ chức hoạt động biểu diễn?
Với câu hỏi trên, người nói "có", người quả quyết "không". Lạ là, ai cũng tỏ ra có lý, dù hiện vẫn chưa thể biết nhà quản lý ban hành tấm thẻ (nếu có) dựa trên tiêu chí cụ thể nào, đối tượng áp dụng là những ai. Phía đồng ý cho rằng, tấm thẻ giúp phân định người "có nghề" với kẻ "tay ngang", thúc đẩy tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng nghệ thuật biểu diễn, và quan trọng là có thể "nắm tóc" những ai làm việc không đáng hoan nghênh như hát nhép, ăn mặc phản cảm… Người ta cho đó là biện pháp bổ sung vào Chỉ thị 65 mà Bộ VH,TT&DL đã ban hành cách nay hơn nửa tháng, mục tiêu là xử lý thích đáng đối với những nghệ sĩ có vi phạm. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng tấm thẻ không những không giúp gì thêm cho việc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật mà còn tạo hệ lụy không đáng có, như là vấn nạn "chạy" để có tấm thẻ hành nghề, là hạn chế sự thể hiện của số nghệ sĩ hoạt động tự do - giờ đang như "nấm sau mưa", ngăn cản sự thử sức của số người có tài năng tiềm ẩn đối với những nghề mà họ chưa được đào tạo bài bản… Đó là những luồng ý kiến mà nhà quản lý không thể không tính đến nếu việc lập đề án về thẻ hành nghề là một ý tưởng nghiêm túc.
Sự thực thì ta có thể nghĩ gì về ý tưởng nói trên? Tấm thẻ hành nghề có thể giúp cho hoạt động biểu diễn vào lại khuôn khổ?
Rất khó nói mục tiêu lớn thành hiện thực với một tấm thẻ. Lâu nay, về hoạt động biểu diễn nghệ thuật đã có bao hình thức điều chỉnh, từ nghị định đến các văn bản được ban hành ở cấp thấp hơn. Đã có quy định biểu diễn sai thì xử lý ở mức nào, xử lý ai, cấp nào xử lý. Đã có quy định về quản lý nội dung chương trình biểu diễn, khâu duyệt chương trình và hậu kiểm. Sự thể đến thế mà vẫn lộn xộn là bởi các cấp có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm, chưa đủ trách nhiệm, làm chưa đúng, thậm chí là bao che, dễ dãi, hoặc giả là các văn bản quy phạm pháp luật còn "hở", thiếu... Việc quan trọng ấy chưa được thực hiện nghiêm, chưa cho hiệu quả đầy đủ như nhẽ ra phải có, nên giải pháp lúc này vẫn là siết lại quy trình quản lý, giám sát, hậu kiểm và xử lý vi phạm.
Còn nếu nhà quản lý văn hóa vẫn có đủ thời giờ cho những việc khác, như là nghiên cứu thực hiện đề án cấp thẻ hành nghề thì điều cần là phải bảo đảm tấm thẻ ấy có thể mang lại hiệu quả quản lý thực sự hay không. Ở đây, thật khó nói chuyện "thử nghiệm" bởi "chuyện tấm thẻ" đã một lần thất bại.
Mỗi lần xuất hiện thẻ là một lần phải chi phí, là một lần nghệ sĩ, nhà tổ chức biểu diễn phải loay hoay với thủ tục hành chính này kia, phải tự điều chỉnh… Bởi vậy, cần phải tính kỹ mọi bề trước khi quyết định.