Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2012

Chính trị - Ngày đăng : 18:27, 03/07/2012

Báo Hànộimới điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Thông cáo báo chí về một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2012.


♦ Báo cáo tình hình KT-XH

Trong hai ngày 2 và 3/7/2012, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2012, với sự tham gia họp trực tuyến của lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính phủ đã thảo luận và quyết nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2012, tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, các bộ ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; nhất là Nghị quyết 01/2012/NQ-CP và Nghị quyết NQ13/2012/NQ-CP của Chính phủ. Nhìn chung, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012 đã đạt được kết quả khá toàn diện, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra trên tất cả các mặt như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội...

Tăng trưởng kinh tế cả nước có tín hiệu khả quan. GDP Quý II/2012 tăng 4,66% cao hơn Quý I/2012 (tăng 4,0%), tính chung 6 tháng đầu năm GDP ước tăng 4,38% và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2012 tăng 4,5% so với cùng kỳ, song dấu hiệu hồi phục sản xuất công nghiệp ngày càng rõ nét. Hầu hết các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn đều có mức tăng khá về chỉ số sản xuất công nghiệp.

Chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần, từ 34,9% trong tháng 3/2012 giảm xuống lần lượt là 32,1% và 29,4% trong tháng 4/2012 và tháng 5/2012, đến tháng 6/2012 giảm xuống 26% so với cùng thời điểm năm trước.

Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá ổn định. So với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2012 tăng 3,8%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,5%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3,36 triệu lượt người, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2011. Khối lượng luân chuyển hành khách và vận tải hàng hóa tăng trên 10% so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng và lớn hơn số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 36,2 nghìn doanh nghiệp, nhiều hơn số giải thể khoảng 9,9 nghìn doanh nghiệp.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2012, tính đến hết tháng 6/2012 tăng 2,52% so với tháng 12/ 2011 và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là cơ sở để điều hành lạm phát mục tiêu năm nay ở mức 7-8% và tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại của năm.

Về tiền tệ và tín dụng: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nhiều nỗ lực thực hiện lộ trình giảm mặt bằng lãi suất, đã thực hiện giảm nhanh hơn so với kế hoạch, hạ trần lãi suất tiền gửi xuống 9%/năm, lãi suất tín dụng đã giảm đáng kể so với đầu năm, góp phần tạo niềm tin của thị trường. So với thời điểm 31/12/2011, tổng phương tiện thanh toán (M2) trong 6 tháng đầu năm ước tăng 6,84% (tháng 5/2012 tăng 4,47%); tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 7,83% (tháng 5/2012 là 5,42%) cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngày càng tốt lên; tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế đã tăng dần trở lại; tỷ giá ổn định; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện.

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. 6 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu ước đạt 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng công nghiệp có mức tăng trưởng khá, đặc biệt mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng gần 130%; điện tử, máy vi tính và linh kiện tăng gần 85%, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu (riêng 2 mặt hàng này 6 tháng đầu năm tăng 4,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2011). Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 53,8 tỷ USD, tăng 6,9% so cùng kỳ năm 2011.

Về đầu tư phát triển: Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 431,7 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 34,5% GDP, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,6%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng xấp xỉ 2% so với cùng kỳ năm 2011 (ước đạt 5,4 tỷ USD).

Trong 6 tháng đầu năm 2012, cả nước giải quyết việc làm cho khoảng 735 nghìn lao động, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 45,9% chỉ tiêu kế hoạch năm. Các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn; tích cực triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; điều chỉnh mức lương tối thiểu; đầu tư phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, y tế dự phòng, tập trung các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm từ sản xuất, chế biến và lưu thông trên thị trường. Tai nạn giao thông giảm, trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định. Công tác đối ngoại tiếp tục đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt thấp, do vậy để thực hiện tăng trưởng GDP cả năm 2012 như mục tiêu đề ra đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn. Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2012 có tăng nhưng chỉ bằng 46% mức tăng của cùng kỳ năm 2011. Chỉ số hàng tồn kho tuy có giảm dần song còn ở mức cao.

Hệ thống ngân hàng thương mại chưa khơi thông tốt dòng vốn trong nền kinh tế. Tình trạng nợ xấu chưa được giải quyết. Mặc dù tổng phương tiện thanh toán (M2), tổng số dư tiền gửi tăng lên đáng kể, nhưng tổng dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm 2012 vẫn ở mức thấp.

Lãi suất cho vay tuy đã giảm song vẫn ở mức cao, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay…Thu và chi ngân sách Nhà nước đạt thấp, bằng 42,8% so với dự toán, giải ngân chi đầu tư phát triển vẫn còn chậm.

Một số vấn đề xã hội như tình hình quá tải bệnh viện, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại tố cáo của công dân còn diễn biến phức tạp...

Xuất phát từ tình hình thực tiễn, Chính phủ thống nhất đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; từng bước thực hiện có kết quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm an sinh xã hội; làm tốt công tác đối ngoại; quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng...

NHNN cần có biện pháp quyết liệt xử lý nợ xấu; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7-8%); nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận. NHNN cần sớm đưa ra những chính sách và biện pháp tháo gỡ cụ thể để các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động tiếp cận được nguồn vốn…Việc hỗ trợ tín dụng cho sản xuất nông lâm thủy sản cần triển khai sớm. Điều hành mức cung ứng tiền (M2) và mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, tránh dồn vào cuối năm, để vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhưng không để lạm phát cao quay trở lại.

Bộ Tài chính cần có biện pháp thực hiện chính sách hỗ trợ thuế đúng đối tượng ưu tiên nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia,...nhằm kích thích nhu cầu trong nước. Phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạ lãi suất tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu. Duy trì đà tăng trưởng cao của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tạo nhiều việc làm.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng tồn kho; khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế. Kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm. Kiểm soát chặt chẽ các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc gây tác động xấu đến hàng hóa nội địa. Đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” liên tục và sâu rộng.

Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách huy động đầu tư của xã hội cho các dự án, công trình lớn, theo phương thức đầu tư “Đối tác công - tư” PPP. Khẩn trương rà soát, xử lý vốn đối ứng nhằm thúc đẩy nhanh các dự án ODA. Thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án sử dụng công nghệ cao. Xem xét việc ứng trước vốn đầu tư năm 2013 cho các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2012, 2013. Khẩn trương thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, chống gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm xuất khẩu phải bảo đảm theo các quy chuẩn quốc tế. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục chỉ đạo các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong năm An toàn giao thông 2012.

Thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đặc biệt chú trọng lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, nhất là ở khu vực công nghiệp tập trung, hộ gia đình thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất sản xuất.

Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại; giải quyết tốt công tác khiếu nại, tố cáo; tiếp tục nâng cao hiệu lực chỉ đạo, điều hành, thực hiện đúng Quy chế làm việc và chương trình công tác đã đề ra. Các thành viên Chính phủ rút kinh nghiệm, phát huy những việc làm tốt, khắc phục những hạn chế trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận xã hội đối với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; chủ động cung cấp, định hướng thông tin, đối thoại về các chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công; thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, nhất là về các vấn đề, vụ việc nhạy cảm; bảo đảm thông tin trung thực, khách quan tạo tâm lý an tâm, củng cố niềm tin,... trong xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012.

Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu tại phiên họp Chính phủ đều bày tỏ đồng tình với báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội cả nước trong 6 tháng đầu năm 2012, khẳng định kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Báo cáo của một số tỉnh, thành phố cho thấy tình hình kinh tế- xã hội của địa phương đều diễn biến theo chiều hướng tích cực. Đầu tầu kinh tế của cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng đạt 7,4 % trong quý I, 8,8% trong quý II, bình quân 6 tháng đầu năm 2012 đạt 8,1%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2012 giảm 0,45%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,9%, hiện đang dần hồi phục. Dịch vụ tăng trưởng tốt, đặc biệt là du lịch trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt tổng doanh số hơn 36 nghìn tỷ đồng.

Thủ đô Hà Nội, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,6 %; chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,57% so với cuối năm 2011. Sản xuất công nghiệp tăng sản lượng nhiều sản phẩm thiết yếu; du lịch đạt 3,96 triệu lượt, khách quốc tế tăng hơn 19%, nội địa tăng hơn 8%.

Tăng trưởng GDP trung bình 6 tháng đầu năm tại các địa phương khác cũng đạt khá: Hải Phòng 6,8%, Đà Nẵng 10,5%, Cần Thơ 8,36%, Nam Định 11%, Hà Nam 12,63%. Những mức tăng này tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng đều vẫn cao hơn so với quý I, phản ánh xu hướng tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới.

Theo VGPNews