Mức thu học phí mới của Hà Nội cơ bản giảm

Giáo dục - Ngày đăng : 18:13, 03/07/2012

(HNMO) - Hà Nội đang xây dựng tờ trình về cơ chế miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và thu, quản lý học phí mới nhằm thống nhất mức thu học phí của 4 địa phương sau khi hợp nhất về Hà Nội. Mức thu học phí mới ở các cấp học về cơ bản sẽ theo chiều hướng giảm. Học sinh tiểu học không phải đóng học phí.

Đó là những thông tin được Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hồng Nga cho biết tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội diễn ra chiều ngày 3-7.

Mức thu học phí mới của các cấp học của Hà Nội được xây dựng bằng với mức thấp nhất trong khung học phí được quy định tại Nghị định số 49/2010-NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, khung học phí này được áp dụng từ năm học 2010-2011 và sẽ điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm, tuy nhiên, nhằm tạo thuận lợi nhất cho người học, đến nay, Hà Nội vẫn áp dụng theo khung này để xây dựng mức thu học phí mới. Cụ thể, mỗi cấp học sẽ chỉ có 2 mức thu: 20 nghìn đồng/tháng/HS đối với khu vực nông thôn và 40 nghìn đồng/tháng/HS đối với khu vực thành thị. Đơn cử như ở cấp học mầm non, mức thu hiện nay ở khu vực thành thị với trẻ nhà trẻ của là 70 nghìn đồng/HS/tháng, trẻ mẫu giáo là 50 nghìn đồng/HS/tháng… Với những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, Hà Nội cũng sẽ thực hiện cơ chế miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng khó khăn. Cụ thể, ngoài các đối tượng được miễn học phí quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP, Hà Nội đề xuất được thực hiện miễn học phí cho HS các cấp học ở 13 xã miền núi và 2 xã giữa sông. Hà Nội cũng đề xuất lãnh đạo TP xem xét, hỗ trợ ngân sách cho những nhà trường do điều chỉnh mức học phí mà bị ảnh hưởng tới nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động dạy - học và sinh hoạt của đơn vị.

Nếu được HĐND TP Hà Nội phê duyệt, mức học phí này sẽ được áp dụng từ năm học 2012-2013. Bà Nguyễn Thị Hồng Nga cũng cho biết, ngay sau khi được phê duyệt, Sở GD-ĐT và Sở Tài chính sẽ đi kiểm tra tại tất cả các nhà trường để xem xét, đề xuất mức bù chi từ ngân sách cho các trường một cách cụ thể, phù hợp, bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho việc dạy - học và nâng cao chất lượng giáo dục.

Liên quan đến việc giải tỏa áp lực tuyển sinh đầu cấp ở mầm non, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hồng Nga khẳng định: Hà Nội không thiếu chỗ học cho trẻ mầm non. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh trên địa bàn TP đều có nhu cầu gửi con theo học tại các trường công lập, gây nên tình trạng quá tải cục bộ ở một số trường. Việc bắt thăm chỉ là giải pháp tình thế hiện nay và cũng chỉ thực hiện ở một số nơi có nhu cầu học quá lớn so với chỉ tiêu. Sở GD-ĐT đã trình TP phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn TP đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo lộ trình, đến năm 2020, mỗi xã, phường phấn đấu xây dựng ít nhất từ 1-2 trường mầm non công lập; mở rộng diện tích; nâng tầng ở những trường có điều kiện, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của phụ huynh.

Tổng số trường mầm non của Hà Nội hiện là 866 trường, tăng 29 trường so với năm học trước, thu hút 409 nghìn trẻ ra lớp, tăng 38 nghìn trẻ.

Thống Nhất